Tuyển nữ Việt Nam có năm 2019 thành công khi giành cú đúp danh hiệu khu vực: vô địch AFF Cup và có HCV SEA Games lần thứ sáu trong lịch sử. Càng ngọt ngào hơn khi thành quả của thầy trò HLV Mai Đức Chung có được đều từ những chiến thắng trước tuyển nữ Thái Lan - đại diện Đông Nam Á duy nhất từng dự World Cup, ở chung kết.
Bước sang năm 2020, tuyển nữ Việt Nam sẽ có hai mục tiêu quan trọng: thi đấu tốt ở vòng loại Olympic Tokyo 2020 và bảo vệ ngôi hậu tại AFF Cup. Rất nhiều khó khăn, thách thức chờ đón Huỳnh Như cùng đồng đội, nhưng đây cũng là cơ hội để bóng đá nữ nước nhà có bước tiến mới.
Cầu thủ nữ có cái Tết no đủ
Lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển nữ Việt Nam được thưởng nhiều hơn các nam đồng nghiệp ở một giải chính thức tầm khu vực. Màn trình diễn quả cảm của các cô gái vàng trong trận chung kết với Thái Lan đã lay động khán giả cả nước, tạo cho bóng đá nữ sự quan tâm chưa từng có.
Nếu trước đây, tình yêu của người hâm mộ dành cho đội tuyển nữ chỉ là định lượng vô hình, còn bóng đá nữ khó vẫn hoàn khó, thì hôm nay, tình cảm và sự nể phục đã được quy chuyển thành những hiện vật cụ thể, đó là tiền thưởng từ các sở, ban ngành, doanh nghiệp tài trợ, mạnh thường quân.
Con số 24 tỷ đồng không chỉ giúp cho cầu thủ nữ có cái Tết đủ đầy, ấm no hơn mọi năm, mà còn tạo cơ sở để nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam. Khi các cầu thủ không còn chịu nhiều thiệt thòi, tạm thời rũ bỏ gánh nặng kinh tế, tuyển nữ Việt Nam càng có thêm sức mạnh để chinh phục những cột mốc mới.
Ngoài ra, khoản tiền 20 tỷ tài trợ hàng năm (trong 5 năm) của tập đoàn Hưng Thịnh cùng với sự quan tâm, ủng hộ của khán giả là nền tảng vững chắc để bóng đá nữ tiến những bước dài, với mục tiêu không còn "quanh quẩn" trong khu vực, mà sẵn sàng hướng ra châu lục với những đích ngắm tưởng như "không thể" trước đây.
AFF Cup, Olympic và World Cup
Mục tiêu khả dĩ nhất với các học trò của HLV Mai Đức Chung trong năm 2020 là AFF Cup. Kể từ năm 2020, giải vô địch Đông Nam Á dành cho nữ sẽ được tổ chức hàng năm, thay cho 2 năm/lần như trước đây, nhằm tăng tốc độ cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bóng đá nữ trong khu vực.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan vẫn là đối thủ đáng ngại nhất với dàn cầu thủ Thái kiều với thể hình tốt, lối chơi tương đối hiện đại. Theo sau Thái Lan là Myanmar, đội nữ không ít lần gây khó khăn cho Việt Nam.
Ngoài ra, Philippines sau SEA Games cũng nổi lên là đối thủ đáng gờm. Không có chuyện tuyển nữ Việt Nam dễ dàng đánh bại Philippines như 2, 3 năm trước. Theo chia sẻ của Tuyết Dung, các cầu thủ nữ Thái Lan và Philippines đều rất khoẻ, va chạm tốt, thể hình tốt hơn cầu thủ nữ Việt Nam. Vì thế, nếu bóng đá nữ Việt Nam không cho thấy sự tiến bộ, rất có khả năng toàn đội sẽ bị đối thủ vượt qua trong tương lai gần.
Tuyển nữ Việt Nam cần bảo vệ ngôi hậu khu vực để chứng tỏ vị thế thống trị Đông Nam Á. Chưa từng đi World Cup như Thái Lan, song thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn là đội tuyển giàu thành tích và sẵn sàng chơi sòng phẳng với đội nữ của xứ Chùa vàng.
Khó khăn hơn nhiệm vụ vô địch Đông Nam Á nhiều lần là mục tiêu lấy vé đi Olympic. Tại vòng loại thứ ba, tuyển nữ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh 2 tấm vé cùng với các "chị đại" châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia,... Ở bảng của tuyển nữ Việt Nam, Triều Tiên rút lui phút chót, nên cuộc cạnh tranh thuộc về Hàn Quốc, Việt Nam và Myanmar.
Cơ hội vượt qua vòng bảng là trong tầm tay, đúng như khẳng định của HLV Mai Đức Chung. Lọt vào bán kết, tuyển nữ Việt Nam sẽ chạm trán đối thủ rất mạnh ở bảng còn lại, có thể là Trung Quốc hoặc Australia. Cơ hội đá chung kết, đồng thời giật vé đi Olympic không cao, nhưng lọt vào vòng này cũng xem như thành công với tuyển nữ Việt Nam.
Mục tiêu lớn nhất của bóng đá nữ Việt Nam sẽ là World Cup 2023. Giải đấu lớn nhất thế giới sẽ tăng gấp rưỡi số đội tham dự, từ 24 đội lên 32 đội. Do đó, cánh cửa đến World Cup sẽ mở ra đôi chút cho Huỳnh Như cùng các đồng đội.
Tất nhiên, nói World Cup nữ tăng số đội không đồng nghĩa với việc tuyển nữ giành vé đi World Cup là đương nhiên, bởi chúng ta tiến bộ, đối thủ cũng không đứng yên. Theo cựu trưởng đoàn Dương Vũ Lâm của tuyển nữ, các quốc gia như Uzbekistan, Iran đang đầu tư mạnh cho bóng đá nữ.
Ở Uzbekistan, mỗi CLB dự giải VĐQG đều phải sở hữu một đội nữ. Iran cũng cho đội nữ tập huấn quốc tế. Đội bóng Tây Á tiến bộ tới mức tuyển nữ Việt Nam vừa rồi phải rất vất vả mới đánh bại được, dù 3 năm trước toàn đội dễ dàng hạ Iran tới 6-1. Thái Lan, Philippines cũng hứa hẹn không ngừng vươn lên nhờ dàn cầu thủ nhập tịch. Vì vậy, nếu không tiến bộ hoặc chậm tiến bộ, bóng đá nữ Việt Nam rất khó vươn ra biển lớn.
Giải VĐQG nữ sẽ thu hút khán giả?
Chia sẻ trong đêm vô địch SEA Games, nhiều tuyển thủ nữ như Tuyết Dung, Huỳnh Như,... đều bày tỏ mong muốn khán giả sẽ đến sân xem giải VĐQG nữ nhiều hơn. Đây mới là cái nôi đào tạo các tuyển thủ nữ. Và sự quan tâm của khán giả ở giải VĐQG là động lực để cầu thủ, cũng như những người làm bóng đá hoàn thành tốt công việc của mình.
Hiệu ứng khán giả lớn thế nào? Hãy nhìn cách toàn đội vượt lên nghịch cảnh để chiến đấu trước Thái Lan ở chung kết khi nhận được sự cổ vũ của hàng trăm CĐV để thấy. Dù vậy, tình yêu của khán giả cho bóng đá nữ hầu như chỉ xuất hiện khi toàn đội đá chung kết và vô địch. Hết giải, đâu lại vào đấy.
Hy vọng trong năm 2020, những ai yêu mến các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam sẽ bỏ thời gian đến sân theo dõi cổ vũ các nữ cầu thủ. Suy cho cùng, bóng đá nữ cũng có những nét hấp dẫn, duyên dáng riêng mà khi theo dõi kỹ, người ta mới có thể nhận ra.
Bóng đá nữ không thể cứ sống mãi bằng tình thương. Nó cần có căn cơ vững bền để duy trì, phát triển. Tình cảm của người hâm mộ và sự quan tâm của xã hội chính là nền tảng, gốc rễ bền vững đó.
Bình luận