• Zalo

Bóc mẽ chiêu lừa hàng Trung Quốc 'đội lốt' Made in Vietnam

Kinh tếThứ Tư, 02/07/2014 04:51:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dính nhiều tai tiếng liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhiều mặt hàng Trung Quốc đã "đội lốt" Made in Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

(VTC News) - Dính nhiều tai tiếng liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhiều mặt hàng Trung Quốc đã "đội lốt" Made in Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Sau hàng loạt các thông tin về mức độ ảnh hưởng và gây hại cho người tiêu dùng của các loại quần áo, giày dép Trung Quốc, hàng Việt Nam xuất khẩu có cơ hội để lên ngôi. Các cửa hàng “Made in Việt Nam” mọc lên như nấm ở khắp mọi tuyến phố khiến người tiêu dùng hoa mắt chóng mặt vì mẫu mã cũng như giá cả.

hàng Việt, Made in Việt Nam, hàng Trung Quốc, đội lốt
Các cửa hàng Made in Vietnam mọc lên như nấm. Ảnh: Châu Anh 

Vài năm trước, các cửa hàng “Made in Vietnam” có số lượng khiêm tốn song mấy năm trở lại đây, khi nhiều hàng hóa Trung Quốc dính nghi án chứa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, thì thương hiệu “Made in Vietnam” cũng được phổ biến và phát triển rầm rộ.


Trên các con phố mua sắm lớn tại Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng... đều có tới vài shop mang tên này, kinh doanh đủ loại quần áo, giầy dép, túi xách... của người lớn, trẻ em.

Sự phát triển ào ào theo diện rộng này đã dẫn tới tình trạng loạn giá cả mẫu mã, chất lượng, nhiều cửa hàng kinh doanh trưng biển hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thực chất là bán hàng Trung Quốc để kiếm lợi nhuận.

Tại một cửa hàng "Made in Vietnam" trên phố Bà Triệu (Hai Bà Trưng), khi phóng viên VTC News hỏi mua một chiếc áo hiệu Zara thì được biết giá của sản phẩm này là 280.000 đồng/chiếc. Thắc mắc về nguồn gốc hàng thì các nhân viên ở đây đều từ chối trả lời vì "Cái này chỉ có anh chủ quán mới biết".

Trong khi đó, cũng chiếc áo ấy tại một cửa hàng "Made in Vietnam" khác lại có giá chỉ 220.000 đồng, chất liệu vải và kiểu cách là như nhau. Đem thắc mắc này hỏi nhân viên bán hàng thì chúng tôi nhận được câu trả lời là: "Có thể giá của các cửa hàng khác nhau. Bên em luôn có giá rẻ nhất cho khách hàng".

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ngạc nhiên nhất là chiếc áo này không chỉ được bày bán tại các cửa hàng "Made in Vietnam" mà còn có mặt tại một shop thời trang trên đường Minh Khai (Ha Bà Trưng) với giá chỉ 120.000 đồng. Theo chị Hà, chủ shop này thì nguồn gốc của chiếc áo là từ Quảng Châu (Trung Quốc).

Quan sát lại chiếc áo đã mua từ một cửa hàng "Made in Việt Nam" thì có thể thấy nhãn mác của sản phẩm được gắn khá sơ sài và chất lượng sản phẩm so với hàng chuẩn của Zara thì rõ ràng chỉ tương xứng với hàng ở ngoài chợ.

hàng Việt, Made in Việt Nam, hàng Trung Quốc, đội lốt
Chiếc áo này có giá 280.000 đồng, nhưng ở shop bên ngoài chỉ 120.000 đồng. Ảnh: Châu Anh 

Tương tự, chị Hà, một nhân viên văn phòng trên phố Bà Triệu, trong một lần gần đây, chị có mua chiếc áo len ở một cửa hàng “Việt Nam xuất khẩu” phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ha Bà Trưng) với giá 300.000 đồng. Chị cho biết chiếc áo này chẳng biết của hãng nào, mác phía bên cạnh sườn áo đã có dấu hiệu bị cắt.  


Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, một đồng nghiệp của chị lại cho biết đã thấy 1 chiếc áo y hệt của chị, cùng chất liệu, màu sắc cũng như kiểu dáng ở một cửa hàng chuyên bán đồ Quảng Châu (Trung Quốc) trên phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa). Chiếc áo ở cửa hàng này cũng không hề có mác ở cổ áo giống như chiếc của chị Hạnh, mác ở sườn áo có in “Made in China” và mức giá chỉ 220.000 đồng.

Để giải đáp cho những nghi hoặc của mình, chị Hà đã quay lại cửa hàng trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm để kiểm tra lại và hy vọng mình đã nhầm. Tuy nhiên, toàn bộ lố áo cùng kiểu với chiếc áo mà chị đã mua đều bị cắt nhãn mác.

Chị Hà hỏi chủ cửa hàng lý do tại sao mác lại bị cắt, người chủ cửa hàng trả lời khá gay gắt rằng, “em hỏi thế thì chị trả lời sao? Nó xuất thì nó cắt đi chứ sao” và “hàng xuất thì thường xuyên cắt mác, vì nhiều khi hàng xuất là hàng ăn trộm ăn cắp nên cắt mác mới mang được ra ngoài, chứ không có mà xuất sang tận nước nào rồi, chứ chả có hàng ở đây đâu mà bán”.

Cũng tại cửa hàng này, một lô áo len khác lại có đầy đủ nhãn mác. Song nếu chỉ nhìn những thông tin được in trên mác thì cũng không hiểu chiếc áo này có xuất xứ như thế nào.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, hàng Việt Nam xuất khẩu tại thị trường trong nước chỉ là hàng có sai sót kỹ thuật, hàng lỗi mốt, hàng mẫu bị tuồn ra ngoài chứng tỏ số lượng rất hạn chế. Thế nhưng hiện nay có thể thấy bất kỳ con phố nào, từ phố to tới ngõ nhỏ đều có thể dễ dàng bắt gặp các tấm biển “hàng Việt Nam xuất khẩu”, “Made in Vietnam” xuất hiện.

Mẫu mã của các cửa hàng khác nhau, giá cả cũng chênh lệch nhau khá nhiều. Thậm chí đôi khi cùng một mẫu quần áo, giày dép song giá có thể chênh nhau vài trăm nghìn.


Còn theo chị Minh, một người bán hàng quần áo lâu năm trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa): Hàng Việt Nam xuất khẩu có hai loại. Thực tế, hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”, chính hãng trên thị trường rất ít.

Một loại là hàng do các hãng nước ngoài thuê nhân công Việt may gia công, nguyên phụ liệu 100% nhập từ chính hãng, xuất khẩu đi các nước EU, châu Mỹ...và không được phép bán trực tiếp tại Việt Nam. Muốn bán tại Việt Nam phải nhập khẩu lại từ nước ngoài. Chính vì thế giá sản phẩm rất cao vì chịu 2 lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, chi phí vận chuyển, VAT…

Chỉ có một ít sản phẩm sau khi gia công, không được xuất đi như hàng mẫu, hàng tồn kho, hàng trưng bày… và số ít hiếm hoi ấy bằng cách nào đó được tuồn ra ngoài và tiêu thụ trên thị trường.


Còn một loại là hàng Việt Nam xuất khẩu đi: do nhà máy ký được hợp đồng, tự gia công, nguyên phụ liệu tự sản xuất, và thường là những nhãn hàng của 1 số nhà máy Việt Nam sở hữu. Chất lượng của loại này thường kém hơn loại trên, có thể có số lượng nhiều trên thị trường do từ nguồn hàng lỗi, hàng dự phòng...

Thông thường, các sản phẩm hàng Trung Quốc "đội mác" hàng Việt Nam, nhãn mác sẽ chỉ "bắn" nguyên trên giấy chứ không có mác vải in trên cổ áo. Nếu có mác vải, khi nhìn kỹ, đường may thực chất là bị cắt ra (cắt mác “Made in China” đi, rồi gắn mác “Made in Vietnam” vào).

Trong khi đó mặc dù hàng nhái giày dép, quần áo làm theo mẫu mã của chính hãng nhưng chất liệu vải, chất liệu may thô và không đảm bảo quy trình chất lượng.

Thêm vào đó là keo "dỏm", đường chỉ may không sắc sảo, độ bền không đảm bảo và thường chắp vá nguyên vật liệu theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn quần áo đã bị giãn, phai màu và xù lông.  


"Trước tình trạng hàng nhái ngày càng phổ biến như hiện nay, chị em đừng nên ham rẻ mà hãy xem xét kĩ đường kim mũi chỉ cũng như chất liệu vải, hình thức mẫu mã, kiểu dáng kẻo vớ phải hàng fake. Tốt nhất hãy chọn những cửa hàng Made in Vietnam uy tín, có tên tuổi trên thị trường", chị Minh tư vấn.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn