Chị Trần Kim Thư cho biết, quê chị ở Kinh Môn, Hải Dương - vùng đất nổi tiếng về trồng hành, tỏi khô bán. Từ đầu tháng 2 dương lịch là mùa vụ hành tỏi mới. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên sức tiêu thụ hành, tỏi Kinh Môn giảm hẳn.
“Những năm trước, khi người dân ở đây chính thức bán hành, tỏi tươi cho vụ mới thì rất nhiều thương lái đánh xe lớn nhỏ về từng hộ gia đình để mua hàng đẹp, giá tốt với số lượng lớn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua giảm hẳn, hành, tỏi Kinh Môn cũng không xuất đi được các nơi khác. Do đó, giá hành, tỏi khô giảm mạnh, chỉ bằng 1/2 so với năm trước”, chị Kim Thư buồn rầu.
“Mình còn nhớ như in lúc đó giá hành, tỏi gừng còn tăng khoảng 20.000 đồng/kg. Tỏi Kinh Môn thời điểm ấy có giá 80.000-90.000 đồng/kg. Các loại tỏi nhập từ Trung Quốc về cũng bán giá 70.000 đồng/kg. Riêng tỏi Lý Sơn có giá tới 150.000 đồng/kg. Vậy mà năm nay, giá tỏi, hành khô Kinh Môn giảm thê thảm”.
Cụ thể, tuy trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau, song nhìn chung giá hành, tỏi khô chỉ từ 20.000-45.000 đồng/kg.
“Nhà mình bán 30.000 đồng/kg hành. Mình hay để túi 4kg hành khô bán với giá 120.000 đồng. Tỏi khô mình bán 45.000 đồng/kg. Vận chuyển xa hơn 3km thì phụ thu thêm 10.000 đồng nữa. Hành tỏi khô mình bán là chuẩn hành tỏi Kinh Môn, Hải Dương quê mình. Nhà mình có số lượng lớn và giá hợp lý nên khách mua lấy bao nhiêu cũng có”, chị Kim Thư nói.
Theo chị, khách mua hành tỏi khô Kinh Môn về ăn dần không cần để tủ lạnh mà treo cả búi lên chỗ thoáng là đã có hành tỏi ăn thoải mái quanh năm.
Để trục lợi, nhiều người bán tỏi Trung Quốc nhưng trà trộn vào và đánh lừa người tiêu dùng, nói đó là tỏi Kinh Môn - Hải Dương. Vì vậy, người mua hết sức cảnh giác và chú ý để có thể phân biệt được tỏi Kinh Môn và tỏi Trung Quốc.
“Trước kia, tỏi Trung Quốc thường được cắt ngắn, gọn ghẽ để vào bao lớn. Nhưng trước tâm lý sính tỏi Kinh Môn, nhiều người buôn bán đã mua cả tỏi Trung Quốc về để nguyên bó, để cả lá nhằm đội lốt tỏi Kinh Môn. Nhưng chỉ cần chú ý một chút khi mua là có thể nhận dạng được”, chị Kim Thư mách nước.
Để phân biệt được tỏi Kinh Môn và tỏi Trung Quốc, người tiêu dùng có thể dựa vào một số đặc điểm phân biệt cơ bản sau:
Tỏi Kinh Môn nhỏ, chắc củ
Tỏi Kinh Môn có hai loại, loại tỏi lai và tỏi ta. Tỏi lai trồng ở vùng đất tốt, có khối lượng lúc khô khoảng 50-60g, thậm chí củ to có thể lên tới 70g. Tỏi ta khối lượng nhỏ hơn hẳn, chỉ khoảng 30-40g, thậm chí còn nhỏ hơn. Những củ tỏi lai thì nhìn rất bóng bẩy, đẹp, dễ bóc nhưng không thơm đậm đà, chắc củ và giữ được lâu như tỏi ta.
Riêng với tỏi Trung Quốc thì rất to, có thể nặng 80-90 g/củ trở lên. Đặc biệt chúng rất dễ bóc.
Tỏi Kinh Môn có màu trắng hơi tím, tỏi Trung Quốc màu tím đậm hoặc trắng tinh
Để phân biệt, người tiêu dùng có thể dựa vào màu sắc tỏi. Nếu như tỏi Trung Quốc có màu tím đậm bên ngoài hoặc màu trắng tinh thì tỏi tỏi Kinh Môn có màu trắng hơi tím.
Tỏi Kinh Môn vỏ mỏng, khó bóc
Nhìn vào lớp vỏ bên ngoài của tỏi Kinh Môn, bạn thường thấy chúng có lớp vỏ mềm, rất mỏng. Vì thế nếu cần bóc nhiều có thể ngâm nước để dễ bóc hơn, hoặc bóc sơ sơ rồi dập dập ra. Còn vỏ tỏi Trung Quốc thường cứng, dễ bóc hơn.
Tỏi Kinh Môn có mùi thơm đậm đà, lưu lại hương thơm lâu, tỏi Trung Quốc nhạt hơn, không thơm
Khi thưởng thức, người dùng sẽ thấy rõ tỏi Kinh Môn có vị hăng, vị cay, mùi thơm lưu lại rất lâu mới bớt mùi. Còn tỏi Trung Quốc không thơm bằng tỏi Kinh Môn, khi ăn thấy nhạt nhẽo.
Tỏi Trung Quốc rẻ hơn
Tùy theo từng thời điểm mà tỏi Kinh Môn có các mức giá khác nhau. Song về cơ bản, tỏi Kinh Môn luôn vững giá và có giá cao hơn hẳn tỏi Trung Quốc từ 20.000-30.000 đồng/kg. Tỏi Trung Quốc lúc nào cũng có giá rẻ hơn.
Bình luận