• Zalo

Bóc mẽ chiêu 'bẫy' khách vay gói 30.000 tỷ đồng

Bất động sảnThứ Sáu, 11/03/2016 11:22:00 +07:00Google News

Thực tế, việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016 đã được quy định, nhưng nhiều nhân viên ngân hàng vẫn lập lờ.

(VTC News) - Thực tế, việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016 đã được quy định, nhưng khi tư vấn cho khách hàng, nhiều nhân viên ngân hàng đã "lập lờ", không giải thích rõ về điều này.

Chị Hoàng Anh - một khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà tại dự án Thăng Long Victory cho biết, khi chị được nhân viên ngân hàng tư vấn về gói vay này, nhân viên này chỉ nói mức lãi suất ưu đãi là 5% và thời hạn vay kéo dài tới 15 năm. Nhân viên này không hề giải thích về việc, nếu dự án hoàn thành sau thời điểm 1/6/2016 thì số tiền giải ngân sẽ được tính theo mức lãi suất thỏa thuận, chứ không phải là 5%.

Nhiều khách hàng lo lắng khi áp dụng mức lãi suất thương mại sau 1/6/2016
Nhiều khách hàng lo lắng khi áp dụng mức lãi suất thương mại sau 1/6/2016 
Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, đa số các khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng này đều rất "sốc" khi biết hết thời hạn 1/6/2016, lãi suất sẽ được tính theo mức lãi suất thương mại.


Anh Tuấn - một khách mua nhà tỏ ra rất lo lắng: "Tôi vừa mới vay gói 30.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2015, tôi vay tới 70%, đến giờ ngân hàng mới giải ngân 10% và đợt thanh toán tiếp theo của tôi là vào quý 3/2016, tức là sau ngày 1/6/2016, mức lãi suất sẽ tính theo mức lãi suất thương mại, như vậy 60% còn lại kia tôi sẽ phải chịu mức lãi suất cao. Nếu biết quy định như vậy, tôi sẽ không quyết định mua nhà nữa vì giờ lãi suất 5%, hai vợ chồng tôi đã phải rất chật vật để trả nợ rồi".

Căn hộ anh Tuấn mua có mức giá là 1,4 tỷ đồng, hiện đã thanh toán 40%, tức là khoảng 560 triệu đồng, trong đó, ngân hàng giải ngân 10%, tương đương với 140 triệu đồng đã được hưởng ưu đãi 5%, phần còn lại 840 triệu đồng sẽ phải chịu mức lãi suất thương mại.


Chính sự mập mờ, không giải thích rõ ràng về các quy định cũng như điều khoản vay này đã khiến cho nhiều khách hàng rơi vào cái "bẫy" của các ngân hàng.

Thực tế, các quy định cho vay gói 30.000 tỷ đồng đã được quy định rất rõ tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn: "...Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013)".

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, nếu giải thích kỹ điều này, chắc chắn số lượng khách vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, nhiều nhân viên ngân hàng đã cố tình bỏ quên điều khoản này, khiến người nghèo vay mua nhà rơi vào thế như ngồi trên đống lửa.

Mấy ngày gần đây, khi các ngân hàng cho vay liên tục gửi các thông báo về việc sẽ áp dụng mức lãi suất mới khi giải ngân tiền sau ngày 1/6/2016, nhiều khách hàng đã lo lắng vì không biết sẽ phải đối mặt với mức lãi suất mới là bao nhiêu. Nhiều khách hàng đã tìm cách tháo chạy để tránh phải chịu mức lãi suất cao.

Một nhân viên tư vấn của ngân hàng BIDV cho biết, đối với những khách hàng vay mua nhà nhưng đã được giải ngân hết số tiền rồi thì yên tâm vì vẫn được hưởng mức lãi suất ưu đãi 5%.

Đối với khách hàng tiếp tục được giải ngân sau thời điểm 1/6/2016 thì nếu có tiền trả nợ trước hạn thì nên sử dụng để trả khoản vay thương mại đó. Hoặc đến đợt giải ngân nếu khách hàng có tiền thì có thể liên hệ với ngân hàng để yêu cầu được trả trực tiếp cho chủ đầu tư và chịu mức phí 0,5% trên tổng số tiền của đợt giải ngân đó, gọi là phí phạt không sử dụng hết hạn mức.

Có lẽ 2 phương án trên đều khiến người nghèo rất khó xử. Vì đa số người vay gói 30.000 tỷ đồng đều là những người có thu nhập thấp. Vì vậy để có thể thu xếp được khoản tiền để thanh toán trước hạn là rất khó khăn và thanh toán khi đến đợt giải ngân cũng rất khó khăn.

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có kiến nghị nên kéo dài đến năm 2018 hay tốt hơn là không giới hạn thời gian. Nhưng ý kiến này đã không nhận được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà Nước.

Ông Châu cho hay trong số 17.711 tỷ đồng đã giải ngân thì khoản vay cho người mua nhà ở xã hội chỉ chiếm 3.978 tỷ đồng, vay mua nhà thương mại là 8.062 tỷ đồng và vay cải tạo, xây mới nhà là 1.731 tỷ đồng. Qua đó cho thấy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ còn khá chậm.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn