• Zalo

Bob Kerrey làm lãnh đạo ĐH Fulbright VN, báo Mỹ có quan điểm ra sao?

Thế giớiThứ Sáu, 03/06/2016 11:25:00 +07:00Google News

New York Times ngầm bày tỏ quan điểm về việc cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng uỷ thác ĐH Fulbright Việt Nam.

Việc bổ nhiệm cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerrey làm lãnh đạo trường Đại học Fulbright ở Việt Nam đang làm dấy lên những cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng Bob Kerrey không nên đảm nhận chức vụ này vì những gì ông đã làm khi còn là biệt kích SEAL trong Chiến tranh Việt Nam, trong đó có việc giết hại phụ nữ và trẻ em ở làng Thạnh Phong năm 1969, New York Times viết.

kerrey

 Ông Bob Kerrey (tóc trắng, hàng đầu) nhận giấy phép hoạt động của Đại học Fulbright tại TP.HCM tháng 5 vừa qua - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Đại học Fulbright là trường tư nhân độc lập đầu tiên của Việt Nam, được cấp phép ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama.

Cách đây 15 năm, Bob Kerrey thừa nhận mình và đồng đội đã tổ chức vụ đột kích và giết hại phụ nữ, trẻ em ở làng Thạnh Phong, Bến Tre vào năm 1969. Những người sống sót sau vụ thảm sát nói có 20 thường dân thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em và phụ nữ đang mang thai.

Trong khi đó, vì báo cáo tiêu diệt được 21 quân du kích Việt Nam trong cuộc đột kích, Bob Kerrey đã nhân được Huân chương Bronze Star của Mỹ. Trải qua hơn 3 thập kỷ im lặng, ông Kerrey phải thú nhận tội ác của mình sau khi New York TimesCBS News có loạt điều tra về vụ thảm sát, được công bố năm 2001.

Bob Kerrey hồi còn trong lực lượng Seals của hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Bob Kerrey hồi còn trong lực lượng SEAL của hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Khi thừa nhận về tội ác của mình, ông Kerrey nói: “Đó không phải là một chiến thắng quân sự. Nó là một bi kịch và tôi là người ra lệnh. Tôi luôn bị ám ảnh trong 32 năm qua”.

Việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng uỷ thác của Đại học Fulbright tại Việt Nam đã tạo ra những tranh luận sôi nổi trên các mạng xã hội và báo chí, New York Times viết.

Tờ báo Mỹ trích dẫn trạng thái của tài khoản Facebook Pham Thuy Huong, 40 tuổi tại Hà Nội cho rằng: “Tôi không thể nhìn vào khuôn mặt của ông ấy. Tất cả chi tiết của vụ thảm sát vẫn còn ở đó”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, người từng làm Đại sứ Việt Nam tại EU trả lời qua email với New York Times về vấn đề này: “Trong khi người Việt Nam sẵn sàng để quá khứ qua đi, quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng ủy thác Đại học Fulbright ảnh hưởng tiêu cực đến tôi và nhiều người dân Việt Nam”.

New York Times cũng trích dẫn nhận định của Luật sư Thái Bảo Anh, hiện đang sinh sống tại TP.HCM cho rằng: "Các bạn có thể nói cho tôi biết tên của một trường đại học nổi tiếng nào trên thế giới này mà chủ tịch của nó là một kẻ giết hại phụ nữ và trẻ em - ông ta thừa nhận điều đó và không bị xét xử vì điều đó.

Đây không phải là vấn đề về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, cũng không phải là về sự hoà giải giữa hai dân tộc. Đây là vấn đề tối thiểu nhất đối với ngành giáo dục. Các bạn có gửi con mình tới học ở một trường đại học có một vị chủ tịch như vậy không?".

Ngoài ra, ý kiến của nhà báo Nguyễn Đức Hiển cũng được New York Times trích dẫn: “Sau khi giết người vô tội và nói dối, ông Kerrey không nên đại diện cho kiến thức và đóng góp cho giá trị của Mỹ ở Việt Nam. Tôi hoan nghênh Đại học Fulbright nhưng Mỹ không thiếu người có thể đại diện thay ông Kerrey”.

Tuy nhiên, New York Times cho rằng, kể từ sau 1975, Chính phủ và nhiều người dân Việt Nam đã có thái độ tha thứ và có các ý kiến sẵn sàng cho ông Kerrey chuộc lỗi bằng những hành động giúp đỡ Việt Nam.

Tờ báo Mỹ trích dẫn ý kiến của ông Lương Hoài Nam về vấn đề này: “Tôi tha thứ cho Bob Kerrey và muốn nhiều người Việt cùng tha thứ cho ông. Tôi muốn chúng ta cố gắng làm được điều khó hơn, chứ căm ghét ông ấy thì quá dễ”.

Cô giáo dạy văn Thao Dan tại Hải Phòng cho rằng: “Hãy cho ông ấy một cơ hội để sửa chữa sai lầm bằng việc làm đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam với vị trí mới của mình”.

 
Mọi người có thể tha thứ cho người lính Bob Kerrey nhưng không được quên anh ta từng giết hại người vô tội. Tội ác đó cần được lên án mãi mãi.

Nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thọ

Trong khi đó, sau khi biết những ý kiến trái chiều về việc mình được bổ nhiệm làm Chủ tich Hội đồng ủy thác của Đại học Fulbright, ông Kerrey đã nói: “Tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn”.

Cựu Thượng nghị sỹ này cho biết, ông tham gia vào dự án Fulbright từ những ngày đầu tiên năm 1991 và vai trò của Chủ tịch Hội đồng ủy thác là giúp đỡ trường trong quá trình quyên góp tài chính.

Kết thúc bài báo, New York Times đăng tải ý kiến của nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thọ rằng có sự khác biệt giữa tha thứ và lãng quên: “Nếu có cơ hội gặp Bob Kerrey, tôi vẫn sẽ chào anh ấy. Tôi muốn tha thứ và quên đi tất cả nỗi đau chiến tranh. Mọi người có thể tha thứ cho người lính Bob Kerrey nhưng không được quên anh ta từng giết hại người vô tội. Tội ác đó cần được lên án mãi mãi”.

Tùng Đinh (Nguồn: New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn