Ngày 31/1, đoàn công tác của Bộ Y tế do Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Vũ Thượng (Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP.HCM. Các điểm giám sát gồm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm Y tế quận 3 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
"2K + vắc xin" chưa đảm bảo
Bác sĩ Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP.HCM nhận định, việc thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) ở sân bay Tân Sơn Nhất mới chỉ đáp ứng được 1K là khẩu trang.
Ông dẫn chứng, ở những nơi hành khách đến làm việc như quầy nối chuyến, quầy bán sim, thị thực tại chỗ… vẫn thiếu nước khử khuẩn. Đây là điểm khách sẽ dựa người hoặc cầm bút, tiếp xúc. Do đó, cần sớm bổ sung dung dịch diệt khuẩn.
Đối với nhân viên kiểm dịch y tế và cửa khẩu, bác sĩ Quang cho rằng cần phải đạt 100% tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19. Đây là bộ phận tiếp xúc với khách nhiều nhất, tiêm vắc xin đầy đủ sẽ ngừa lây nhiễm COVID-19 cho người khác. Qua kiểm tra sơ bộ, một số nhân viên chưa tiêm mũi này.
Ca COVID-19 nặng giảm sâu
Tại buổi giám sát, bác sỹ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân COVID-19 nặng sẽ chuyển về khoa Nhiễm D. Công suất của khoa là 70 giường, cao điểm có 35-40 bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân giảm dần và hiện chỉ còn 3 ca nặng. “Đây là tín hiệu đáng mừng cho tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM”, bác sĩ Dũng nói.
Đại diện đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng cho hay số ca nhập viện vì COVID-19 của thành phố đã giảm rõ rệt nhưng không được lơ là. Trong thời gian nghỉ tết Tết, có thể những biến thể mới đã xâm nhập mà chưa được phát hiện, tấn công người già và người chưa tiêm vắc xin.
Do đó, thành phố cần có khuyến cáo việc phòng dịch ở những điểm vui chơi, du lịch, chùa, nơi tổ chức lễ hội. Những địa điểm này cần có các biển hiệu để người dân đeo khẩu trang, nhằm giảm tốc độ lây lan nếu có biến thể mới. “Chúng ta phải làm chủ tình hình trong công tác phòng dịch”, ông Thượng nhấn mạnh.
Tiêm vắc xin COVID-19 suốt kỳ nghỉ Tết
Khi giám sát tại Trung tâm Y tế quận 3, đoàn công tác nhận định, nhân viên rất nỗ lực tổ chức tiêm vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ, số lượng người dân đến chưa đông, trung bình mỗi ngày khoảng 5-7 mũi. Vắc xin được phân bổ là AstraZeneca, hạn dùng đến hết ngày 2/2/2023.
Ghi nhận trong sáng nay (31/1), 3 người dân đến trung tâm để tiêm vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, địa điểm này luôn có ít nhất 5 nhân viên y tế túc trực ở các bàn đăng ký, bàn khám sàng lọc, bàn tiêm, theo dõi sau tiêm và phòng cấp cứu. Người tiêm lớn tuổi nhất sinh năm 1957, có bệnh nền huyết áp.
Thống kê trong kỳ nghỉ Tết, TP.HCM tiêm được gần 300 mũi. “Công sức tổ chức cho một buổi tiêm ở Trung tâm Y tế quận 3 là 8 người trực xuyên Tết, vậy nhưng người dân đến quá ít. Làm sao phải để người dân ra tiêm đông đủ hơn nữa”, bác sỹ Lương Chấn Quang, thành viên đoàn giám sát, nói.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cũng đề nghị các đơn vị cần đẩy mạnh truyền thông cho người dân hiểu rõ giữa lợi ích và nguy cơ của vắc xin COVID-19. Đặc biệt, sau Tết, người dân khắp nơi quay về thành phố làm việc nên càng cần tăng cường tiêm vắc xin mũi nhắc lại nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là người nguy cơ cao.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn xem COVID-19 là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Điều lo ngại nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới có thể kháng vắc xin, kháng thuốc điều trị. Trong 8 tuần qua, hơn 170.000 tử vong vì COVID-19 trên thế giới.
Bình luận