• Zalo

Bộ Y tế công bố phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola

Sức khỏeThứ Hai, 11/08/2014 10:59:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để trị virus Ebola, các bác sỹ chỉ có thể chữa triệu chứng của bệnh này.

(VTC News) - Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để trị virus Ebola, các bác sỹ chỉ có thể chữa triệu chứng của bệnh này.

Điều trị Ebola - chỉ là chữa triệu chứng

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh. Các ca bệnh xác định cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.

 
Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt cấp tính, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban (ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh)
.

Triệu chứng xuất huyết: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, chảy máu âm đạo.

Virus Ebola có thể truyền qua sữa mẹ, khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh. Mẹ nên ngừng cho con bú.

Bệnh nhân phải được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân đúng để hạn chế lây truyền bệnh. Để tránh lây nhiễm, cần hạn chế tiếp xúc, vận chuyển bệnh nhân, trong trường hợp cần vận chuyển phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân và xe chuyên dụng. Các vật dụng bị ô nhiễm, đồ thải bỏ và chất thải của bệnh nhân cần phải khử trùng và xử lý theo quy định.

Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.

Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu với virus Ebola.

Nếu bệnh nhân sốt trên 38oC cần hạ nhiệt bằng Paracetamol, giảm đau bằng Paracetamol (nếu mức độ nhẹ) hoặc Morphin (nếu mức độ trung bình hoặc nặng).

Bệnh nhân bị tiêu chảy, nôn, có dấu hiệu mất nước, cho uống Oresol ngay cả khi không có dấu hiệu mất nước đồng thời, theo dõi sát các dấu hiệu mất nước và bù dịch tương ứng theo phác đồ.

Buồn nôn và nôn rất thường gặp, nên các thuốc chống nôn có thể làm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân uống được Oresol. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu của chảy máu cấp/tái nhợt mức độ trung bình đến nặng cần truyền máu và các chế phẩm của máu.

Chặn Ebola từ các cửa khẩu

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại sân bay Nội Bài sáng 11/8.
 
Sáng 11/8,
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc  trực tiếp đi kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài.

Tại đây, công tác kiểm tra tập trung vào việc bố trí nhân lực, tình trạng trang thiết bị, sự sẵn sàng các phương tiện vận chuyển, khu vực cách ly tạm thời khi có các trường hợp nghi nhiễm Ebola…

Cửa khẩu Nội Bài là đầu mối giao lưu trong nước cũng như quốc tế, hằng ngày có 7.000 - 8.000 khách quốc tế nhập cảnh qua đây, trong đó có hành khách đến từ vùng có dịch. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn. Qua kiểm tra, 2 máy đo thân nhiệt vẫn hoạt động 24/24h tại sân bay.

Tại sân bay cũng bố trí 2 phòng cách ly với đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện bảo hộ và phương tiện cấp cứu bảo đảm khám phân loại, cách ly người bệnh. Sở Y tế đã bố trí các xe cứu thương thường trực để vận chuyển người bệnh.

Ngoài ra, việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, khi nghi ngờ có ca bệnh nhiễm Ebola, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân về ngay 5 bệnh viện của Hà Nội có khoa truyền nhiễm là BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Đức Giang, BV Hà Đông, BV Bắc Thăng Long.

Bệnh do vi rút Ebola (trước đây gọi là sốt xuất huyết Ebola) là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%.

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch.

Virus có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm.

Người cũng có thể mắc Ebola do tiếp xúc với các dụng cụ hoặc đồ vật của bệnh nhân bị nhiễm như quần áo, chăn, kim tiêm đã sử dụng.

» Bệnh viện đóng cửa, nhân viên y tế chạy trốn Ebola
» Vi rút Ebola đe dọa khu vực Đông Nam Á
» Đại dịch Ebola và những cái xác vứt ngoài đường

Nam Anh


Bình luận
vtcnews.vn