Trước việc phát hiện ổ dịch bạch hầu khiến 3 người tử vong ở Bình Phước, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu, khẩn cấp tổ chức nguồn cấp vắc xin tiêm chủng chống bạch hầu...
Cục Y tế dự phòng cũng ra công điện khẩn gửi Sở Y tế Bình Phước về việc nâng cao các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu. Hiện Viện Pasteur TP HCM khẩn trương hỗ trợ Bình Phước giám sát, khống chế và lên kế hoạch tiêm vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao.
Vắc xin được huy động từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế, dành riêng cho chống dịch, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên (khác với vắc xin bạch hầu đang được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm cho 2 đến 4 tháng tuổi).
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân đưa trẻ tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Người dân phải hường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc-xin bạch hầu:
Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi. Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh rất nguy hiểm, diễn biến nhanh, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim gây chết người.
Bệnh cũng dễ thành dịch trên diện rộng bởi vi khuẩn lây lan qua đường hô hấp, bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn.
Video: Tìm ra bệnh 'lạ' khiến nhiều người mắc phải ở Quảng Ngãi
Bình luận