Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ rất đầy đủ về chương trình kế hoạch bố trí nhà tái định cư trên cả nước.
Tuy nhiên, việc bố trí nhà tái định cư như thế nào còn phụ thuộc vào những dự án cụ thể, và do chính quyền địa phương quyết định.
“Chính quyền địa phương có thể bố trí nhà tái định ở các khu vực, vị trí cụ thể, thuận lợi hay không thuận lợi… Cái này phụ thuộc vào địa phương. Tôi cho rằng với đề xuất phá nhà tái định cư, Hà Nội sẽ có lý giải cụ thể”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.
Thứ trưởng Hùng cũng cho rằng một công trình đã hoàn thành mà không đưa vào sử dụng theo mục đích ban đầu thì là điều không tốt. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án có thể chuyển mục đích sử dụng hoặc dùng cho đối tượng khác đó, chứ không phải bỏ đi nữa.
Khi được hỏi về việc có xảy ra lãng phí khi xây dựng nhà tái định cư rồi lại đề xuất bỏ, Thứ trưởng Hùng cho rằng khâu phê duyệt dự án đầu tư phải làm một cách kỹ càng hơn.
“Lựa chọn địa điểm xây dựng, mục đích, đối tượng, các cơ chế chính sách, tính kết nối giao thông… cần phải được tính toán kỹ. Như vậy, khi một dự án làm xong sẽ có những hiệu quả nhất định”, ông Hùng nói thêm.
Trước đó, Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) vừa đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư xây dựng tại khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.
Lý do của đề xuất trên là do cả 3 tòa nhà này đã được xây dựng và hoàn thành hơn 10 năm nay nhưng không có người nhận và đến ở.
Đây là dự án nhà tái định cư tại chỗ của dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng, nằm trong khu đô thị Sài Đồng do Hanco3 làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2001-2006. Do một số hộ dân không đồng ý việc nhận tái định cư bằng căn hộ mà phải là đất nền, nên dẫn đến tính trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà.
Hanco 3 cho rằng việc phá dỡ 3 tòa nhà này sẽ tránh được tình trạng lãng phí. Sau khi phá dỡ, chủ đầu tư sẽ xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố.
Video: Đề xuất xóa bỏ 3 tòa nhà tái định cư
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết dự án triển khai từ khi chưa thành lập quận Long Biên. Trong khi đó, quy định việc bồi thường của một dự án thuộc quận khác với huyện nên dẫn đến sự không thống nhất được giữa chủ đầu tư và người dân. Vì vậy người dân không đến nhận bàn giao nhà nên dự án bị bỏ hoang.
Trước đề xuất của chủ đầu tư, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch đối với hai phương án. Một là, cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội. Hai là, phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.
Bình luận