Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Tehran, Levan Dzhagaryan xác nhận cuộc tập trận chung giữa Nga, Trung Quốc và Iran sẽ diễn ra tại Vịnh Ba Tư vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
"Các tàu chiến của Nga, Iran và Trung Quốc sẽ tham gia vào cuộc tập trận này. Mục đích chính của cuộc tập trận là diễn tập các hoạt động đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế và chống cướp biển", ông Dzhagaryan cho biết.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, hoạt động diễn tập này cho thấy sự ủng hộ của Moskva và Bắc Kinh với Tehran trong cuộc đối đầu với Washington.
Trong khi Nga và Trung Quốc giữ mối quan hệ lạnh nhạt với Mỹ, Tehran và Washington vẫn âm thầm leo thang căng thẳng ở Vịnh Ba Tư.
Tuyên bố về cuộc tập trận 3 bên được đưa ra không lâu sau khi Nga và Trung Quốc kết thúc đợt tập trận chung quy mô lớn ở Ninh Hạ, thuộc khu vực bắc miền trung của Trung Quốc, với sự tham gia của 10.000 binh lính.
Ngay trước thông báo về hoạt động diễn tập mới của Nga-Trung-Iran, các nước trong "Bộ tứ kim cương" gồm Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng xác nhận về cuộc tập chung lần thứ 2 (Malabar 2021) của nhóm.
Theo phát ngôn viên hải quân Ấn Độ, đợt tập trận kéo dài 4 ngày ở vùng biển gần đảo Guam bắt đầu từ 26/8 bao gồm các bài tập “phức tạp trên mặt biển, dưới mặt nước và trên không, trong đó có các bài tập bắn đạn thật, đối không, chống tàu ngầm, phối hợp chung và diễn tập chiến thuật”.
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin hải quân nước này đã cử 2 tàu chiến gồm Shivalik và Kadmatt đến Guam từ hôm 21/8 để tham gia tập trận cùng với các tàu hải quân của nhóm Bộ Tứ.
Bộ Quốc phòng Australia hôm 23/8 cũng xác nhận hải quân nước này sẽ cùng các đối tác quan trọng trong khu vực gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia cuộc tập trận Malabar 2021.
Australia sẽ cử tàu chiến HMAS Warramunga, một trong 8 khinh hạm lớp Anzac của nước này tham gia các nội dung tập trận quân sự được tổ chức trên khu vực thuộc ngoài khơi Đảo Guam của Mỹ.
Theo thông báo cùng ngày của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, nước này sẽ cử Đơn vị đặc biệt SBU tham gia Malabar 2021 với mục tiêu tăng cường quan hệ với hải quân các nước đối tác, đồng thời góp phần duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Các chuyên gia nhận định cuộc tập trận Malabar năm nay của nhóm Bộ Tứ cũng gửi đi cùng thông điệp tập hợp sức mạnh quân sự đối phó với Trung Quốc như Malabar 2020.
Bình luận