(VTC News) - Theo quy định, người bị tai nạn giao thông phải có “giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền là không vi phạm mới được thanh toán bảo hiểm y tế”. Sau khi quy định này bị “tuýt còi”, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên quan điểm nên Bộ Tư pháp vừa phải “tuýt còi” lần 2.
Chiều qua (9/6), Bộ Tư pháp lại tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Y tế yêu cầu hai bộ này phải kiểm kiểm tra, xem xét lại quy định “người bị tai nạn giao thông (TNGT) phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền là không vi phạm mới được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)”.
Trước đó, ngày 27/4/2010, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kiểm tra và phát hiện ra Thông tư liên tịch số 09/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT (Thông tư 09) chưa phản ánh đúng tinh thần và nội dung của Luật Bảo hiểm y tế, thậm chí gây phiền hà, bế tắc cho người dân.
Một ca TNGT đang được chăm sóc tại BV Bạch Mai Hà Nội (Ảnh: Hiền Lê)
Cụ thể, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, các trường hợp tham gia BHYT (nếu không thuộc điều 23) thì đương nhiên được hưởng BHYT. Người tham gia BHYT chỉ bị tước quyền được chi trả BHYT trong trường hợp do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, Thông tư 09 của liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế, đã quy định ngược với Luật Bảo hiểm y tế khi hướng dẫn như sau: “Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến Bảo hiểm xã hội để thanh toán theo quy định”.
Theo Bộ Tư pháp, hướng dẫn như trên không làm rõ được “cơ quan có thẩm quyền” xác nhận là cơ quan nào? Ai là người đưa ra giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông cho cơ quan BHYT?. Do đó, dẫn đến sự hiểu nhầm là trách nhiệm này thuộc về “người bệnh”, và quy định như vậy gây phiền hà và bế tắc cho người hưởng BHYT.
Mặt khắc, trong nhiều trường hợp xảy ra TNGT nhưng các cơ quan có thẩm quyền không thể kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn. Đó là những trường hợp như xảy ra TNGT nhưng các cơ quan thẩm quyền không có mặt kịp thời tại hiện trường, hiện trường bị xáo trộn, sau tai nạn đối tượng bỏ trốn, người bị hại không có người làm chứng hay người bị ảnh hưởng đến khả năng nhận thức…
Như vậy, nếu áp dụng như hướng dẫn trên, nhiều trường hợp người bị TNGT sẽ không được hỗ trợ hoặc thanh toán bảo BHYT ngay cả khi họ không có lỗi.
Sau khi bị “tuýt còi”, Vụ Y tế - Bộ Y tế đã có công văn giữ nguyên quan điểm của mình về hướng dẫn trên. Lập luận của Bộ Y tế vẫn cho rằng, “quyền lợi của người tham gia BHYT cũng không bị ảnh hưởng… Thông tư không quy định là phải có giấy xác nhận mà chỉ ghi là “khi có xác nhận không vi phạm và được hiểu là khi đã có hồ sơ, giấy tờ mà cơ quan công an xác lập trong các trường hợp TNGT, vì chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền xác định (như biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn, Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vì tai nạn giao thông…) hay các kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc để làm căn cứ xác định có vi phạm pháp luật hay không”.
Ngoài ra, tại công văn trả lời, Bộ y tế trích dẫn: “Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (khoản 6 Điều 38), người dân cũng phải có trách nhiệm trong việc chứng minh là không vi phạm pháp luật để được hưởng quyền lợi BHYT”. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản cho biết, sau khi kiểm tra kỹ quy định tại Khoản 6 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ thì thấy rằng không có quy định nào như vậy.
Từ những nội dung trên, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế phải tiến hành tự kiểm tra, xử lý Thông tư 09 để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản. Nếu kết quả xử lý không đảm bảo, Cục sẽ báo cáo Bộ Trưởng Bộ Tư pháp xử lý theo quy định.
Ngọc Linh
Bình luận