(VTC News) – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, cơ quan này sẽ chỉ đạo xử lý các vụ thi hành án phức tạp, kéo dài, đồng thời xử lý nghiêm với trường hợp cán bộ dính líu đến tham nhũng.
Báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2015 tại hội nghị trực tuyến diễn ra sáng nay (15/1), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, ngành Tư pháp sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh về triển khai thi hành Hiến pháp đã được xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Cụ thể sẽ tập trung hoàn thiện các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành các văn bản pháp luật, Bộ Luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo kế hoạch của Chính phủ.
Cụ thể sẽ tập trung hoàn thiện các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành các văn bản pháp luật, Bộ Luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo kế hoạch của Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp tại hội nghị. |
Cơ quan tư pháp cũng sẽ tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính. Trong đó tập trung và lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.
Triển khai có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2015, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật bảo hiểm xã hội, Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật hộ tịch, Luật căn cước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự…
Ngành Tư pháp tập trung triển khai kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và các nội dung theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014 liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, an sinh xã hội...
Đẩy mạnh cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, đặc biệt các TTHC liên quan trực tiếp đến người dân như: lý lịch tư pháp, công chứng, luật sư, giao dịch bảo đảm… để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
Trong đó có biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng rút ngắn thời hạn, đơn giản thủ tục lập hồ sơ. Các đơn cơ quan chức năng tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính.
Cũng theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, ngành Tư pháp sẽ khắc phục những tồn tại đối với công tác phân loại án, công tác thống kê thi hành án dân sự; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tham nhũng; tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài; giải quyết đúng thời hạn các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngoài ra, vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp sẽ được nâng cao trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; thực hiện mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia trong các tranh chấp bằng các biện pháp phù hợp và tuân thủ pháp luật quốc tế.
Minh Quyết
Bình luận