• Zalo

'Bỏ túi' kinh nghiệm lái ô tô mùa mưa ngập

Tư vấnThứ Tư, 25/05/2022 06:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mùa mưa luôn là mối lo với nhiều lái xe vì dễ gặp tình trạng xe bị chết máy, hỏng hóc khi bị ngập nước.

Mùa mưa khiến nhiều tuyến đường trung tâm các thành phố dễ bị ngập nước. Vì thế, nhiều tài xế rỉ tai nhau cách lái xe trên đường ngập và cách xử lý ô tô bị ngấm nước.

Cách lái xe trên đường ngập nước

Điều chú ý đầu tiên khi lái xe qua đoạn đường bị ngập nước là các ổ gà, nắp ống ga…khi bị ngập sẽ trở thành những chiếc “bẫy” nguy hiểm vì tài xế không nhìn thấy mặt đường. Do đó, khi di chuyển, lái xe cần lưu ý chạy vào đường giữa, việc này sẽ giúp xe tránh được những chỗ nước ngập sâu, hoặc trên các phố có dải phân cách cứng thì nên chạy sát dải phân cách vì đây thường là những chỗ cao hơn trên cùng một con đường.

'Bỏ túi' kinh nghiệm lái ô tô mùa mưa ngập - 1

Lái xe qua đoạn đường bị ngập nước luôn cần nhiều kỹ năng để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, tài xế nên đi xe với số thấp và chạy đều chân ga hoặc tăng ga khi phải đi qua những đoạn đường ngập nước quá ống xả, vì khi đó dòng khí xả sẽ tạo ra lực đẩy lớn tránh không cho nước vào trong ống xả. Nếu không thể đi nhanh, có thể giữ chân phanh nhưng vẫn đạp chân ga. Tuyệt đối không giảm ga khi nước ngập quá ống xả vì việc đó sẽ làm giảm lực đẩy của dòng khí xả và có thể làm cho nước dễ dàng vào trong.

Đối với đoạn đường nước ngập sâu, cần lưu ý quan sát kỹ và nên hạn chế đi ngược chiều đối với xe chạy phía trước. Bởi khi hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng tràn lên nắp capo của xe, gây nguy cơ nước tràn vào họng hút hoặc nắp máy có thể làm ướt bugi, gây chết máy.

Để giảm thiếu việc có thể bị chết máy khi di chuyển qua đoạn đường ngập nước, cách tốt nhất là nên quan sát các xe chạy phía trước, để có thể tránh được những ổ voi, ổ gà.

Bên cạnh đó, không nên di chuyển gần những xe có trọng tải lớn, vì chúng sẽ tạo ra những cơn sóng lớn bất ngờ, có thể làm ngập đường ống nạp hay ống xả.

Đối với các xe không thuộc dòng thể thao hoặc có thiết kế gầm cao thì khi mức nước ngập nửa lốp xe tức là đã đến giới hạn, không nên vượt qua. Lựa chọn an toàn nhất là tìm tuyến đường khác để đi và chỉ đi qua nếu chắc chắn mực nước chưa ngập qua cổ hút gió.

Khi đi qua đoạn đường ngập nước, để giảm tải cho động cơ, tài xế cũng nên tắt toàn bộ thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh…

Nếu bị chết máy, tài xế phải bính tĩnh để xác định nguyên nhân, nếu do nước vào bên trong động cơ thì tuyệt đối không được khởi động lại động cơ, vì không những không thể nổ máy mà nó có thể sẽ làm bó kẹt piston, cong tay biên.

Cách xử lý khi xe bị ngập nước

Tình trạng ô tô chết máy khi đi qua đường ngập nước do nước tràn vào qua đường hút gió được gọi là thủy kích. Theo những chuyên gia giàu kinh nghiệm về ô tô, thường thì những chiếc sedan hay hatchback cỡ nhỏ, có khung gầm xe thấp hay gặp hiện tượng thủy kích hơn các mẫu SUV/crossover gầm cao.

'Bỏ túi' kinh nghiệm lái ô tô mùa mưa ngập - 2

Hàng loạt ô tô bị chết máy vì ngập nước sáng 23/5

Khi nước tràn vào xe sẽ tạo nên một lực ép lớn, đối đầu với áp lực từ các piston đang từ dưới đẩy mạnh lên hỗn hợp khí nạp. Trong trường hợp này, nếu như tài xế vẫn cố khởi động xe ô tô vô tình khiến cho lượng nước tràn vào càng nhiều với lực càng mạnh làm cho các tay biên piston bị biến dạng, thậm chí là bị gãy, hỏng hóc. Khi tay biên piston gãy sẽ làm chất lượng hoạt động của xi lanh bị giảm sút và làm hỏng trục cơ, thủng vỡ lốc máy ô tô khiến động cơ xe bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ngoài động cơ, thủy kích còn tác động xấu đến hệ thống điện xe ô tô. Khi xe ngập nước, hệ thống điện trên xe ô tô như đèn, còi, hệ thống âm thanh giải trí…sẽ bị ảnh hưởng như có thể bị gỉ sét hay cháy.

Vì vậy, khi xe chẳng may bị chết máy khi ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại xe khi đang bị ngập nước sâu. Cách duy nhất trong trường hợp này đó là tài xế cần tắt máy ngay lập tức, đẩy xe lên vị trí cao hoặc nâng gầm xe chờ cứu hộ đến và đưa xe về xưởng sửa chữa.

Bên cạnh đó, lái xe cần nnanh chóng tháo cực âm của ắc quy. Đây được xem như một giải pháp trước mắt để hạn chế thiệt hại, đồng thời góp phần tránh được hiện tượng đoản mạch, giúp bảo vệ ECU hoặc hộp máy khỏi bị hư hỏng.

Đồng thời, nên kiểm tra que thăm dầu của xe xem có dấu hiệu của bọt nước lọt vào hệ thống bôi trơn hay không, Nếu có thì động cơ đã bị ngập nước, trường hợp xuất hiện giọt nước bám ở đuôi que thì cần phải thay và lọc dầu.

Nếu như thấy mực nước ngập dưới trục bánh xe thì hoàn toàn có thể yên tâm đến 90% là động cơ và nội thất của xe được an toàn. Nhưng ngược lại, mực nước này cao hơn, thì cần xác định chiều cao của mức nước, tìm dấu vết nước để có thể kịp thời xử lý.

Vì vậy, tài xế hãy lần theo dấu vết từ bên trong cửa xe và đèn hậu, nước ở sàn xe, thảm và nội thất. Đặc biệt, hãy lưu lại thông tin, hồ sơ mọi tổn thất và mức độ xe bị ngập nước sẽ rất có ích cho việc làm bảo hiểm và sửa chữa xe khi đến xưởng.

Cuối cùng, lái xe nên nhanh chóng làm khô nội thất của xe. Nếu như đã đưa được xe ra khỏi ngập nước nhưng bộ phận cứu hộ chưa tới, hãy nhanh chóng mở hết cửa xe để nước thoát ra ngoài.

Sử dụng thiết bị, dụng cụ sẵn có để thấm hết số nước đọng lại trên xe. Sau đó dùng quạt hoặc máy sấy làm khô nội thất cơ bản (ghế da, đệm mút, sàn nỉ, nếu không được xử lý ngay các chi tiết nội thất này sẽ xuống cấp nhanh chóng) trước khi bộ phận cứu hộ tới đưa xe về gara

Thành Lâm(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp