• Zalo

Bộ TT&TT tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí

Thời sựThứ Tư, 12/11/2014 12:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành luật báo chí.

(VTC News) - Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành luật báo chí.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng ấn phẩm, loại hình báo chí và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại hội nghị 
Báo chí đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí về cơ bản đã hoạt động đúng pháp luật, định hướng, tuyên truyền kịp thời việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
 
Bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ yếu, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, như: Nhiều về số lượng cơ quan báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên...
 
Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/12/1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2/1/1990. Ngày 12/6/1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
 
Qua 15 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động Liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.

Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung của Luật Báo chí cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.'
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và việc xây dựng Luật Báo chí thời gian tới cần bám sát các quy định của Hiến pháp 2013. Một yêu cầu xuyên suốt khác là phải thể chế hoá tốt hơn, cụ thể hoá, chi tiết hoá tốt hơn các quan điểm của Đảng về công tác báo chí.

Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động theo pháp luật, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí. Xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để báo chí phát triển...

Đánh giá về hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong 15 năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã năng động, đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường định hướng XHCN. Đa số báo chí của các bộ, ngành và các tổ chức xã hội đã tự chủ về mặt tài chính.

Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đổi mới cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho nhà báo, phóng viên để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Minh Tuấn, một số cơ quan báo chí đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách. Nhiều ấn phẩm phụ của báo in, báo điện tử đưa nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục…

Xử phạt cơ quan không cung cấp thông tin cho báo chí
 
Hội nghị đã nghe nhiều tham luận của các đại diện cơ quan quản lý báo chí, các Tổng biên tập cơ quan báo chí đánh giá về tình hình thực hiện Luật Báo chí cũng như đóng góp ý kiến để sửa đổi Luật Báo chí sắp tới.

Đoàn chủ trì hội nghị. (Ảnh: MIC)

Góp ý cho luật sửa đổi, đại diện nhiều cơ quan báo chí nhấn mạnh cần có quy định, chế tài cụ thể xử phạt cơ quan không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí.

Theo ông Võ Văn Long, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cần khiến các bên cung cấp thông tin cho báo chí hiểu rõ vừa có nghĩa vụ nhưng cũng có quyền lợi trong vấn đề này. Cho tới nay, chưa có quy định cụ thể, chi tiết nào về việc xử phạt những cơ quan hay cá nhân không cung cấp thông tin cho báo chí theo luật định".

Đại tá Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Thông tấn báo chí, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cũng cho rằng, cần có quy định xử lý vi phạm hai chiều giữa cơ quan cung cấp thông tin và báo chí.

 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư đặt vấn đề có nước nào như ở ta là mỗi cơ quan chủ quản đều có cơ quan báo chí? Đây là nguyên nhân dẫn tới có quá nhiều cơ quan báo chí, vừa lãng phí vừa dẫn tới những tiêu cực của báo chí, vì khi thành lập nhưng cơ quan chủ quản không lo được tài chính cho cơ quan báo chí. Luật lần này cần có nghiên cứu để đưa ra những quy định về vấn đề tài chính đối với cơ quan báo chí.

Theo ông Tuấn, Luật Báo chí được ban hành từ năm 1999, khi đó tư duy theo hướng báo chí bao cấp. Nay báo chí đã có những phát triển vượt bậc, phần lớn cơ quan báo chí đã tự chủ tài chính nên cần phải nghiên cứu sửa đổi tổng thể. Một tờ báo giấy phát hành vài vạn bản ở ta đã là lớn, nhưng có khi một bài trên facebook, blog có cả vạn người đọc. Chưa kể các hình thức truyền thông mới ngày càng phát triển. Vì vậy nên suy nghĩ sửa Luật Báo chí hay làm luôn luật truyền thông thay thế.
 
"Trước đây từng đề cập đến lập tập đoàn báo chí, nhưng lại chưa làm được. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới, vì thế nên có quy định về tập đoàn báo chí và cơ quan báo chí đa phương tiện. Hiện tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan, luật làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này", ông Tuấn nói đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số TBT vào ban soạn thảo, vì họ chính là người chịu sự điều chỉnh của luật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ TT&TT  

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, công bố một số thông tin về kết quả giám sát của Uỷ ban. Báo cáo này chỉ ra nhiều bất cập hiện nay như: tình trạng thương mại hoá báo chí gia tăng, những vi phạm đời tư cá nhân, tình trạng trùng lắp thông tin diễn ra phổ biến...

Đáng lưu ý, tình trạng tư nhân đầu tư chui, núp bóng tại nhiều tờ báo đang tồn tại. Bên cạnh đó, tình trạng thực thi pháp luật về báo chí của các cơ quan, tổ chức chưa nghiêm, dẫn tới nhiều nhà báo bị hành hung khi đi tác nghiệp, tình trạng không cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra phổ biến.
 
Từ thực tế này, báo cáo cho rằng Luật báo chí sửa đổi lần này cần phải điều chỉnh thế nào với blog cá nhân, trang tin điện tử. Vì hiện chưa điều chỉnh trong Luật báo chí. Luật cũng cần có quy định riêng với từng loại hình báo chí. Có quy định về truyền dẫn phát sóng, các đài chỉ nên sản xuất nội dung, còn việc truyền dẫn phát sóng có thể để bộ phận khác.

Kiến nghị thuế 0% với báo điện tử

Theo ông Nguyễn Đình Chúc, phó TBT báo Lao động, báo chí hiện tại có hai nguồn thu chính từ quảng cáo và phát hành, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung, hai nguồn thu này đang bị giảm đáng kể.

Ông đề xuất luật sửa đổi cần mở rộng thêm các loại hình hoạt động tài chính khác liên quan để trợ giúp các cơ quan báo chí.

Về mức thuế với báo chí, ông cho rằng, dù Chính phủ đã có nhiều ưu ái và hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ khi mức thuế áp với báo in đã giảm, nhưng báo điện tử và các loại hình báo chí khác vẫn chưa thay đổi khiến các cơ quan gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đọc báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: MIC)

“Đề nghị xem xét giảm thuế với báo chí điện tử thấp hơn cả báo in, ví dụ ở mức 0% bởi thực tế báo điện tử thậm chí còn đang khó khăn hơn cả báo in, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn”.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng biên tập báo CAND cho hay, hiện nay, chi phí đầu vào của các cơ quan báo chí ngày một tăng, trong khi nguồn thu lại giảm mạnh, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xem xét biện pháp hỗ trợ cụ thể cho hoạt động kinh tế của báo chí.
 
Còn ông Lê Như Tiến cho rằng nên có quy định riêng về thuế với báo chí. Báo nào phục vụ nhiệm vụ chính trị thì thuế giảm tối đa, còn với những báo phục vụ giải trí thì thuế phải khác, đồng thời có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các báo làm nhiệm vụ chính trị. Hiện mới chỉ có báo in được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, còn những loại hình khác thì vẫn cao.

Không vì một vài tiêu cực mà vội quy định 'bịt lại'

Tại hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí sáng nay do Bộ TT&TT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sửa luật Báo chí cần rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, "không nên chỉ một vài biểu hiện tiêu cực mà giật mình, vội vàng ra ngay quy định bịt hết lại".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm qua báo chí đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, thông tin đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống và vươn ra toàn thế giới. Trong quá trình phát triển, phát sinh cả cái tốt và cái chưa tốt, đó là việc bình thường.

Với việc sửa đổi bộ sung luật Báo chí hiện hành, ông cho rằng, cần xem luật đáp ứng được yêu cầu đến đâu, điều gì thuộc phạm vi bất cập của luật Báo chí, điều gì là bất cập của các luật khác.

Phó Thủ tướng nói: "Trên thế giới có rất nhiều nước không có luật báo chí, nhưng lại quản lý báo chí rất nhiều mà vẫn đúng pháp luật. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ và báo chí là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp nhất. 15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy chúng ta sửa luật thì đã xem xét đến những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào?".

Phó Thủ tướng khẳng định, sửa luật phải đương nhiên đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng. Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, đảm bảo cho báo chí góp phần để nhân dân thực thiện tốt hơn quyền của mình.

Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: MIC) 

"Mạnh, đúng thì phát huy, hạn chế thì khắc phục, phải rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực mà giật mình, vội vàng ra ngay quy định bịt hết lại", ông nói.

"Rồi vấn đề như báo chí hợp tác với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ví dụ như Đài truyền hình VN cũng đã có công ty liên doanh không chỉ với tư nhân mà với cả nước ngoài, có các chuyên trang, chuyên mục được thực hiện bởi các công ty tư nhân, không chỉ đơn thuần do vấn đề tự chủ tài chính mà bản thân nó có vấn đề công nghệ thúc đẩy và mang lại. Đặt trong luật sửa đổi này thế nào, đến đâu, đồng bộ thế nào?".

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, sửa đổi bổ sung Luật báo chí không phải là để kìm hãm báo chí, mà là để tạo ra bước phát triển mới, phù hợp với thực tế của các cơ quan báo chí hiện nay.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son, khẳng định việc sửa luật lần này nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, nhạy cảm (chỉ riêng việc quy hoạch báo chí được đặt ra từ năm 2006 nhưng nay mới trình Bộ Chính trị và sẽ trình Trung ương tại kỳ họp tới đây),  nên rất cần sự góp ý của các cơ quan báo chí.

Theo Bộ Thông tin truyền thông, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 90 cơ quan báo chí điện tử và 67 đài phát thanh, truyền hình. Đội ngũ nhân lực làm việc tại cơ quan báo chí khoảng gần 40.000 người, trong đó có gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Báo cáo Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí cho biết, về báo in, tính đến ngày 31/12/2013, có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó, có 199 cơ quan báo chí in chiếm 24% (86 báo trung ương và các bộ, ngành, đàn thể; 113 báo địa phương) và 639 tạp chí chiếm 76% (507 tạp chí trung ương, các bộ, ngành, các trường đại học và các viện nghiên cứu...132 tạp chí địa phương).

 
Về báo điện tử, có 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể.
 
Về phát thanh truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình, bao gồm 2 đài trực thuộc Trung ương (Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 1 đài thuộc bộ (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) 64 Đài Phát thanh –Truyền hình địa phương (gồm 62 Đài Phát Thanh- Truyền hình của các tỉnh Thành phố trực thuộc Trung ương; riêng thành phố HCM có 2 đài: Đài Truyền hình TpHCM và Đài Tiếng nói nhân dân TpHCM)
 
Về truyền hình quảng bá: Số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2013, là 179 kênh, trong đó có 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá. Đặc biệt, có 6 kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng riêng, bao gồm kênh Truyền hình

Đài tiếng nói Việt Nam, Kênh TH Công an Nhân dân, Kênh truyền hình thông tấn, Kênh truyền hình Quốc phòng, Kênh truyền hình Quốc hội, Kênh Truyền hình Nhân dân.
 
Bên cạnh đó, có hệ thống truyền hình trả tiền, truyền hình trả tiền sử công nghệ truyền dẫn phát sóng cáp, vệ tinh, số mặt đất và IPTV.. phát triển mạnh.

Hà Anh
Bình luận
vtcnews.vn