Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao Việt – Pháp và 25 năm ngày ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác y tế.
Tiếp Bộ trưởng Pháp, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết, trong những năm qua hợp tác y tế giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng.
Tiêu biểu là sự hợp tác giữa các Viện Pasteur của Việt Nam với mạng lưới các Viện Pasteur của Pháp trong việc phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, H5N1, H1N1 và các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp đã ký kết Ý định thư giữa hai bên trong lĩnh vực y tế.
Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ trong 25 năm trở lại đây, Viện đã nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia về SIDA và các bệnh viêm gan do virus (ANRS, Pháp) để triển khai hơn 25 đề tài, dự án tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và sinh học lâm sàng. Cán bộ của Viện cũng được tài trợ tham gia các chương trình nghiên cứu, các hội nghị quốc tế về HIV; được hỗ trợ nâng cao năng lực phòng xét nghiệm, trang thiết bị và chuyển giao các kỹ thuật khoa học tiên tiến để triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, Viện Pasteur TP.HCM ghi nhận và đánh giá cao cơ quan ANRS trong việc hỗ trợ thiết lập Phòng xét nghiệm HIV. Đây cũng là nơi phát hiện ca HIV đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990.
Hiện Phòng xét nghiệm HIV tại Viện đã được công nhân là Phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về xét nghiệm HIV, thường xuyên thực hiện các xét nghiệm CD4, CD3, CD8. Viện cũng triển khai xét nghiệm tải lượng virus cho toàn bộ các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Phó Giáo sư Phan Trọng Lân hi vọng, trong thời gian tới chính phủ Pháp và cơ quan ANRS tiếp tục hỗ trợ Viện Pasteur TP.HCM và ngành Y tế Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống HIV, viêm gan B; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật chẩn đoán mới; hỗ trợ đào tạo nhân sự về quản lý, y tế dự phòng, dịch tễ học, nghiên cứu.
Phát biểu tại chuyến thăm, Giáo sư Agne’s Buzyn, Bộ trưởng Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp nhận định, sự hợp tác về khoa học đã giúp hai nước vượt qua được những quá khứ đau buồn trong chiến tranh.
Pháp luôn tạo điều kiện để giúp đỡ các nước trên thế giới có thể phát hiện, thực hiện những nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm như lao, HIV, sốt rét...
Trong năm tới, nước Pháp sẽ xem xét tài trợ các nước để đẩy mạnh hơn nữa việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân thông qua Quỹ Toàn cầu.
>>>Đọc thêm: Cứu sản phụ băng huyết sau sinh mang nhóm máu hiếm
Bình luận