Có tiền không ai đóng bảo hiểm để bị “hành”!
Theo tờ trình sửa đổi Luật BHYT thì việc sửa đổi lần này sẽ quy định “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc” thay hình thức “có trách nhiệm tham gia BHYT” như hiện nay. Quy định này nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Cho ý kiến về Luật BHYT sửa đổi vào chiều 11/9, nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn với quy định “bắt buộc” này. Ủng hộ chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, song nhiều đại biểu cũng cho rằng, lộ trình cần phải được tiến hành có lộ trình, với những bước đi phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, mặc dù có chủ trương chuyển BHYT sang bắt buộc, nhưng hình thức lại chưa phải bắt buộc nên phải xem lại. Ông Sơn dẫn dụ, với nền kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều DN đang bị phá sản, ngưng hoạt động. Đối tượng lao động này lại chuyển sang đóng BH thất nghiệp. Lúc đó nhà nước lại phải đóng thay.
UBTVQH còn nhiều băn khoăn với những quy định trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi |
Liên quan đến hai chữ “bắt buộc”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng không nên quy định như vậy.
“Tôi có tiền tôi đi dịch vụ chứ tội gì mua BH để bị hành, nên ko thể bắt buộc được”. Phó Chủ tịch nước nói thẳng và đề xuất giải pháp: “Nên chăng trong luật cần có câu một người chỉ được hưởng một chính sách BH để khắc phục tình trạng 1 người được hưởng 3 BHYT”.
Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, không thể “bắt buộc” người dân đóng BHYT, mà chỉ nên vận động toàn dân tham gia. Vậy có nên đưa quy định này vào trong luật không?
Bảo vệ quan điểm ban đầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói, nếu không bắt buộc thì sẽ không tiến tới được bảo hiểm toàn dân. Tuy nhiên về lộ trình, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết hơn.
Lo vỡ quỹ
Trước những quy định sửa đổi, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan băn khoăn không biết “quỹ này trụ được đến đâu”. Cái lo nhất theo bà là sức chịu đựng của quỹ. Vì đối tượng cận nghèo tăng lên, lúc đó mức hỗ trợ sẽ tăng theo.
Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, qua các lần điều tra xã hội học, cần thống kê tiền người dân dành cho chữa bệnh bao nhiêu. Đồng tình với chủ trương lấy tiền ngân sách hỗ trợ để đẩy nhanh BHYT toàn dân, song ông Hiển đề nghị phải tính toán kỹ càng.
“Tôi lo quỹ BH chưa vỡ thì ngân sách đã vỡ rồi. Nếu sửa luật như vậy, tiền ngân sách hỗ trợ sẽ tăng thêm 45 nghìn tỷ, cộng với 15 nghìn tỷ bây giờ là 60 nghìn tỷ thì ngân sách có chịu được không?” – ông Hiển lo ngại và đề nghị cân nhắc thêm.
Theo ông, BHYT phải tính ngay từ nguồn đầu vào, số tiền đóng BH phải nâng lên. Bên cạnh đó phải tính tới mức hỗ trợ đến thời điểm nào. Nếu đến năm 2020, trên 50 triệu người có BH hỗ trợ, trong đó quá nửa là hỗ trợ toàn bộ thì con số rất lớn. Theo ông Hiển, từ năm 2014 nguồn quỹ sẽ bắt đầu khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi mấu chốt: Sửa Luật BHYT thì người dân có được hưởng lợi hơn không? Nên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn vì hiện nay Bộ Y tế, Tài chính quy định giá dịch vụ y tế, trong khi địa phương cũng quy định giá, như vậy trên cùng một địa bàn mà có 2 loại giá. Điều này có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân không?
Trước những băn khoăn của đại biểu, đại diện ngành bảo hiểm khẳng định, đến năm 2015 vẫn đảm bảo cân đối được nguồn quỹ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, với chính sách hỗ trợ 95% cho các đối tượng nghèo sẽ là vấn đề rất khó khăn cho ngân sách nhà nước. Nhưng việc này Chính phủ đã thảo luận kỹ, dù khó khăn nhưng các thành viên Chính phủ vẫn thống nhất, và đã đề ra giải pháp cân đối quỹ.
Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định, khi sửa đổi luật thì người dân, đặc biệt là người nghèo sẽ được hưởng lợi hơn. Với quy định như trong dự thảo thì mức đóng góp sẽ thấp hơn nhưng lại khuyến khích nhiều người đóng hơn. Mô hình này được các nước áp dụng và đã thành công.
Để không còn tình trạng một địa phương hai mức giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Tiến cho biết, quy định mới được xây dựng thì Bộ Tài chính sẽ phân hạng bệnh viện để quy định mức giá. Như vậy vừa giảm phiền hà, lại thống nhất giá, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho người bệnh.
Bình luận