• Zalo

Bộ trưởng Y tế: Khi nào hết tai biến điều trị, tôi không dám trả lời

Sức khỏeThứ Ba, 01/04/2014 05:38:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tại phiên chất vấn chiều 1/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Khi nào hết tai biến y khoa thì tôi không trả lời được.

(VTC News) – Tại phiên chất vấn chiều 1/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Khi nào hết tai biến y khoa thì tôi không trả lời được.

Tai biến y khoa do đâu?

Tại phiên chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 1/4, nhiều đại biểu đặt ra câu hỏi về y đức của các cán bộ ngành y có liên quan đến những tai biến y khoa.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Đâu là nguyên nhân của những sai phạm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, chưa từng có trong lịch sử ngành y: Vụ nhân bản xét nghiệm, vụ bác sỹ phi tang xác bệnh nhân.

Nên chăng, Bộ Y tế cần xem xét vấn đề y đức trước khi cấp phép cho người hành nghề y?”

nguyễn thị kim tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn chiều 1/4 (Ảnh: Phạm Thịnh)  
Đại biểu đoàn quốc hội Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng: Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nâng cao y đức. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Bộ có giải pháp nào đột phá để chuyển biến về y đức?

Nói về những tai biến và vấn đề y đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: Trong thời gian qua, trong ngành y từ cán bộ tuyến trên đến cán bộ cấp xã đều thấy y đức là vấn đề nóng bỏng.

“Vấn đề y đức đã được nhấn mạnh với mỗi bác sỹ từ khi ra trường. Bản thân Bộ Y tế đã ban hành những yêu cầu về y đức, về quy tắc ứng xử với bệnh nhân.

Chúng tôi đã tập huấn cho cán bộ y tế về vấn đề này cũng như ban hành dưới dạng văn bản pháp luật như thông tư về quy tắc ứng xử của cán bộ y tế”, bà Tiến nói.

Về những sai phạm liên tiếp xảy ra gần đây, bà Tiến trả lời đại biểu Trương Minh Hoàng: Trong quá trình chữa bệnh, có những người khỏi bệnh, có người bị di chứng, có thể có biến chứng, thậm chí có người tử vong.

Còn chữa bệnh thì còn tai biến, mấy trăm năm nữa vẫn có.  Ví dụ như ở nước phát triển như Mỹ, theo thống kê, có 4.000 người chết vì tai nạn giao thông thì có tới 120.000 người chết do tai biến y khoa.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cũng có những nguyên do đặc thù, như trường hợp bệnh nhân Tú bị cắt thận cũng là trường hợp khó. Hai quả thận nhập vào  1 chỗ nên thầy thuốc khó tránh khỏi sai sót, trừ khi đạt đến trình độ cao.

Tuy nhiên, cũng có sai sót do cán bộ y tế sơ ý, vô trách nhiệm. Như trường hợp tiêm nhầm vắc xin viêm gan B khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong ở bệnh viện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Công an đã có kết luận là do trẻ bị tiêm nhầm thuốc. Y tá nhìn lọ thuốc đó giống vắc xin viêm gan B nên bị nhầm. Bản thân y tá đó đã không làm đúng quy trình tiêm chủng.

Cũng có những người không có đạo đức nghề nghiệp vì không có tình thương với bệnh nhân nên để xảy ra những chuyện tắc trách. Còn vụ việc ở bệnh viện Hoài Đức là muốn rút ruột bảo hiểm y tế.

Kết luận lại, Bộ trưởng Bộ Y tế nói rằng, khi nào chấm dứt tai biến y khoa thì tôi không trả lời được mà chỉ có thể hạn chế.

Một trẻ sơ sinh tử vong vì y tá tiêm nhầm thuốc tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Có làng ung thư?

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là an toàn thực phẩm hiện nay ở mức báo động.

Đại biểu Phan Văn Tường, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, xuất hiện nhiều làng ung thư. Mà có thể do vấn đề thực phẩm chưa an toàn gây ra. Vậy Bộ Y tế có biện pháp nào phòng ngừa?

Còn đại biểu quốc hội tỉnh Tiền Giang nói: Hiện nay, thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc. Nhiều thực phẩm sử dụng phụ gia không rõ xuất xứ.

Do đó, thực phẩm không an toàn có nguy cơ gây bệnh.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tiến nghi ngờ: Về làng ung thư cần phải có nghiên cứu, có số liệu chẩn đoán. Khi nào có đề tài nghiên cứu cấp Bộ thì mới có thể xác định rõ.

Nếu có thật thì phải nghiên cứu do đâu, nếu do ô nhiễm môi trường thì cần sự phối hợp các bộ ngành để giải quyết.

Nếu nói rằng do ngộ độc thực phẩm dẫn đến bị ung thư cũng chưa chính  xác. Hiện nay, ngộ độc thực phẩm có thể do bếp ăn chưa an toàn, do ăn phải nấm độc, cá nóc, ngô mốc…

Còn ung thư có thể do nhiều nguyên nhân, do nhiễm khuẩn như ung thư gan do virus viêm gan B, C. Ung thư vòm họng cũng do virus. Hay những người bị đại tràng mãn dễ dẫn đến ung thư.

Ngoài ra, do các yếu tố môi trường gây ung thư như ung thư phổi. Yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư…

Trong buổi chất vấn, liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng tham gia trả lời.
 
Bộ trưởng Phát nói: “Chúng tôi xác định nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu.

Chúng tôi thấy rằng vấn đề nhân dân quan tâm là thuốc trừ sâu trong nông sản. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã rà soát lại việc cấp phép cho các loại thuốc trừ sâu.

Chúng tôi làm lại cho quy trình chặt hơn. Bộ cũng giới thiệu phân bón có nguồn gốc sinh học cho nông dân sử dụng”.

Qua giám sát, hiện nay, tình hình dư lượng các chất không mong đợi như kháng sinh, thuốc trừ sâu cho kết quả là tỉ lệ nhiễm những thuốc này trong những năm gần đây không gia tăng nhưng tình trạng vẫn ở mức cao so với nước tiên tiến.”


» Bác sỹ ném xác: Bộ trưởng Y tế trả lời câu hỏi 'xin lỗi để làm gì'

» Những 'con sâu' làm 'bẩn' ngành y
» Nhân bản xét nghiệm: ‘Vì tiền mà bất chấp tất cả’

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn