Phóng viên ghi lại ý kiến của đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh trong cuộc trò chuyện đầu năm mới.
Ngành y quá căng thẳng
Trong năm qua, vấn đề y đức nổi lên một cách hết sức rõ rệt.
Mới năm trước có chuyện bệnh nhân phải chui ra từ gầm giường vì bệnh viện quá tải thì năm nay vấn đề tiêm vắc xin làm chết người, nhân bản xét nghiệm, rồi gần cuối năm lại chấn động vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
Đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Minh Thăng |
Tôi biết là Bộ trưởng Y tế cũng rất đau lòng, và không phải chỉ riêng Bộ trưởng mà nhìn chung qua trao đổi tôi thấy nhiều anh chị em trong ngành y tế cũng không hiểu nổi. Thực sự là bên cạnh những người xấu xa như thế (số ít thôi) còn lại phần lớn y bác sỹ cũng đang hết sức căng thẳng trong việc phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đi đến nhiều bệnh viện tôi thấy rất thương anh chị em ở đấy. Quá tải khủng khiếp, tôi chỉ lấy ví dụ như bệnh viện Việt Đức thôi chẳng hạn, chỗ tiếp nhận bệnh nhân anh em ở đấy mặt mũi lúc nào cũng hớt hải, hết bệnh nhân này gọi anh ơi, chị ơi lại đến bệnh nhân khác, trong khi liên tiếp có trường hợp cấp cứu.
Trong bối cảnh quá tải, anh em ngành y tế cũng đang hết sức cố gắng gồng mình lên như thế mà xảy ra những chuyện vô cảm, dã man, táng tận lương tâm đến tận cùng thì rõ ràng làm người ta bức xúc.
Những chuyện này tôi cho là một dấu ấn làm cho ngành y tế, đặc biệt là Bộ trưởng cũng cảm nhận thấm thía nỗi bức xúc của người dân, nỗi kinh hoàng của người dân và Bộ trưởng cũng thấy được trách nhiệm của mình một cách rất sâu sắc. Bộ trưởng cũng đã báo cáo trước Quốc hội là nhân những chuyện này để Bộ trưởng có những biện pháp xốc lại đội ngũ và chấn chỉnh lại.
Không phải trách nhiệm riêng ngành y
Nhưng cũng phải nói thực ra hiện tượng trong ngành y tế nổi lên rõ quá thôi, ngoài xã hội thực tế có rất nhiều cái khác cũng gây chấn động, hoang mang không kém.
Như lĩnh vực văn hóa chẳng hạn, hiện tượng bà Tưng cũng gây phản cảm bức xúc từ tất cả các gia đình, nhất là những gia đình có con em còn ít tuổi. Hay xã hội thì có chuyện bảo mẫu đánh trẻ em làm chết người, hành hạ trẻ.
Thực sự mà nói đây không phải là trách nhiệm của riêng mình ngành y tế. Bởi vì các bác sĩ, nhân viên y tế không sống ở một môi trường tách biệt, họ sống trong xã hội chúng ta.
Ngoài mặt trái của cơ chế thị trường khiến người ta xã hội hóa mạnh mẽ, đề cao lợi ích thì một điều quan trọng nữa là quy định pháp luật đang có sơ hở. Ví dụ như tạo điều kiện cho các bác sỹ vừa làm cơ quan nhà nước, lại vừa là có thể khám chữa bệnh bên ngoài. Như thế không thể nói là đảm bảo được sự minh mẫn, nhiều khi hoặc là thái độ, hoặc chuyên môn cũng bị ảnh hưởng.
Sao không ai phát hiện?
Về quản lý đã có luật quy định đầy đủ (luật Khám chữa bệnh, luật Công chức viên chức...). Giải pháp đầu tiên là giáo dục tuyên truyền để chấp hành đúng luật đã, thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thanh tra, xử lý.
Ví dụ như vụ nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức thì nội bộ bệnh viện đã có khiếu kiện từ lâu rồi nhưng tại sao không xem xét xử lý đến nơi đến chốn? Hay chỗ Cát Tường tại sao không có ai quản lý và phát hiện ra?
Vì thế tôi nghĩ phải tăng cường quản lý nhà nước, phải có chấn chỉnh lại. Điều này tôi cũng thấy Bộ trưởng Y tế đã thấm thía lắm rồi và đã có chấn chỉnh để xốc lại lực lượng. Hiệu quả của việc đó nhân dân sẽ chờ xem.
Mặt khác, qua các sự việc trên thì cũng thấy là ngành y chưa được quan tâm, quá là khổ. Cho nên Quốc hội cũng đã nghiên cứu bổ sung chính sách, ngay cả vấn đề phân bổ ngân sách hay những chương trình để đảm bảo tăng cường hoạt động của ngành y.
Tôi cũng tin rằng sang năm mới ngành y sẽ khởi sắc, mang lại niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là những vụ việc như 2013 không xảy ra nữa.
Bình luận