Gần 24 triệu SIM rác đã bị xử lý
Sáng 14/7, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn điểm lại một số nét nổi bật trong lĩnh vực TT&TT 6 tháng đầu năm 2017.
Đáng chú ý, với sự ra đời của Thông tư 38 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Điều này được phản ánh rất rõ nét thông qua việc các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật (riêng YouTube đã gỡ bỏ hơn 3.776 clip, 106 tài khoản giả mạo; Facebook đã xóa 600 tài khoản).
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, tình trạng SIM rác, tin nhắn rác đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau nhiều năm là vấn nạn của xã hội. Gần 24 triệu SIM rác đã bị xử lý trong thời gian qua. Đây là bằng chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của Bộ TT&TT trong quyết tâm làm lành mạnh thị trường viễn thông của Việt Nam.
Tuy nhiên, "dù đã nỗ lực xử lý, tình trạng SIM kích hoạt sẵn, SIM rác còn nhiều. Cả nước hiện có khoảng 92 – 93 triệu dân, ước tính từ trẻ em 5 - 7 tuổi trở xuống và nhiều người vùng sâu, vùng xa vẫn chưa dùng di động, nhưng vẫn có tới 131 triệu SIM đã được phát hành thì rõ ràng SIM rác còn nhiều. Phải tiếp tục kiên quyết xử lý vấn nạn này, nếu không sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy", người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định.
Mặt khác, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe, trong khi một số quy định hiện hành chưa phù hợp.
"Nhiều người dùng phản ánh nhận được nhiều cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, gây phiền phức. Bản thân tôi cũng thường xuyên bị gọi như thế. Tôi thường gọi ngay cho các nhà mạng, yêu cầu phải khóa ngay số thuê bao này. Các địa phương cũng cần phải vào cuộc, cung cấp số điện thoại như thế cho các nhà mạng yêu cầu khóa, xử lý ngay", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.
VNPT sẽ thu gom SIM kích hoạt sẵn của nhà mạng khác để nộp cơ quan quản lý
Liên quan tới vấn nạn SIM rác, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT "hiến kế": "Đề nghị để cho doanh nghiệp viễn thông cùng tham gia việc thu gom SIM kích hoạt sẵn. Nhà mạng này được quyền tự động thu gom SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác, nộp cho Sở TT&TT, sau đó Sở sẽ phạt nhà mạng vi phạm. Với cơ chế này, công việc rất đơn giản, SIM kích hoạt sẵn sẽ không còn tồn tại nữa".
"Tuần sau VNPT sẽ thu gom SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước, qua đó góp phần minh bạch hóa hoạt động quản lý SIM trả trước. Nếu không cứ nói mãi vẫn không thực hiện được", ông Trần Mạnh Hùng cho biết thêm.
Đánh giá cao sáng kiến của Chủ tịch VNPT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Cục Viễn thông cùng các nhà mạng lưu ý sáng kiến này để áp dụng, tìm mọi giải pháp, biện pháp để ngăn chặn SIM rác và hệ lụy tin nhắn rác.
Xử nghiêm vi phạm của các trang thông tin điện tử
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Bộ TT&TT đặc biệt nhấn mạnh các kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin điện tử.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, công tác quản lý các cơ quan báo chí ở Trung ương và một số địa phương trên cả nước, một số điểm nóng về thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị,... đã được Bộ TT&TT thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Việc hàng loạt cơ quan báo chí, phóng viên sai phạm tại cả trung ương và địa phương trong những tháng đầu năm được xử lý nghiêm đã thể hiện phần nào sự cố gắng của Bộ TT&TT trong việc làm lành mạnh hóa lĩnh vực báo chí tại Việt Nam. Những nỗ lực này của Bộ TT&TT cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành ghi nhận rất tích cực trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, trong đó có những hạn chế kéo dài. Điển hình như, vẫn còn tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng báo chí vòi vĩnh, ăn tiền doanh nghiệp, "lên đồng tập thể" chưa có dấu hiệu giảm.
"Một số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Có nhà báo nhắn tin cho tôi rằng giờ đi đâu cũng xấu hổ khi phải xưng danh nhà báo", Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh.
Video: Bộ Công an thông tin vụ nhà báo Duy Phong bị bắt tại Yên Bái
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng đặc biệt quan tâm tới tình trạng nhiều trang thông tin điện tử đưa thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục.
"Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử phải kiểm tra, xử lý nghiêm. Có những trang tin rút tít phản cảm, nhẫn tâm, vô đạo đức. Những sai phạm đó chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tới đây phải xử lý kịp thời, trong đó có cả những trang đưa lại như Báo mới.
Phải phối hợp các Sở TT&TT tăng cường kiểm tra, nhất là với các trang thông tin điện tử tổng hợp có nhiều sai phạm. Kiên quyết xử phạt nghiêm, thậm chí rút giấy phép.
Nếu phát hiện sai phạm, buộc phải thay đổi tên gọi lập lờ giữa trang trang thông tin điện tử với cơ quan báo điện tử. Trước mắt rà soát xử lý 23 trang tin có nhiều dấu hiệu sai phạm mà Cục đã tổng hợp", Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo.
Một số nội dung đáng chú ý khác trong các lĩnh vực TT&TT cũng đã được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo tại hội nghị.
Cụ thể, việc vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện. Nhiều đơn vị vi phạm thiết lập mạng xã hội có hệ thống máy chủ ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế để cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây trở ngại, phức tạp cho việc xử lý trong bối cảnh lực lượng quản lý nhà nước cùng trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật ngăn chặn còn hạn chế. Việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục. Đồng thời, việc triển khai biện pháp kỹ thuật chặn lọc sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền.
Bình luận