• Zalo

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Phải xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, tử tế

Thời sựThứ Bảy, 16/04/2016 11:20:00 +07:00Google News

Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và triển khai chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh, tử tế”.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của ông là xây dựng và triển khai chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh, tử tế”. 

- Thưa Bộ trưởng, Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng đã được công bố. Xin Bộ trưởng cho biết, việc đưa Luật Báo chí vào cuộc sống và việc triển khai Đề án quy hoạch sẽ được thực hiện như nào?

Luật Báo chí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động một cách chủ động, linh hoạt hơn, thích ứng với sự phát triển của báo chí hiện đại trong giai đoạn mới.

Luật Báo chí điều chỉnh nhiều chủ thể như: nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan hoạt động báo chí, nhất là Luật này lại quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, vì vậy, khi được ban hành, Luật Báo chí phải sớm đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. 
Bộ đã chủ động kế hoạch triển khai xây dựng Nghị định, Thông tư để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, đồng thời triển khai tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Luật và nhân dân.

Về Đề án quy hoạch báo chí, trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển báo chí của các bộ, ngành, địa phương, các chủ quản cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Bộ TT&TT, Chính phủ sẽ xem xét để có quyết định ban hành quy hoạch. Thực tiễn, khi triển khai quy hoạch còn có những vướng mắc. Tôi cho rằng, trên cơ sở bám sát thực tiễn, cơ quan báo chí nào hoạt động  tốt, có ảnh hưởng lớn trong công chúng thì phải phát huy, tạo điều kiện để cơ quan đó tiếp tục phát triển. Như vậy, chúng ta phải tính đến yếu tố đặc thù của địa phương, ngành, lĩnh vực, hiệu quả tuyên truyền. Việc này, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chủ quản để có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị có những điều chỉnh phù hợp.

- Việc quản lý thông tin trên mạng đang là vấn đề “đau đầu” không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Bộ trưởng có thể cho biết những công việc sẽ được triển khai nhằm lành mạnh hóa môi trường thông tin hiện nay?

Hiến pháp 2013  đã quy định rất cụ thể về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của công dân. Mạng Internet là công cụ để người dân tiếp cận thông tin, thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Vấn đề đặt ra là, chúng ta quản lý nhưng phải trên cơ sở đảm bảo các quyền cơ bản này của người dân.

 Thực trạng hiện nay như chúng ta đã thấy, môi trường Internet đang bị lạm dụng ở Việt Nam, việc quản lý mạng xã hội đang gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân do luật pháp của ta chưa nghiêm, ý thức người sử dụng mạng xã hội còn kém.

 

Cải thiện môi trường thông tin là ưu tiên hàng đầu của tôi với chương trình hành động sắp đến mang tên “Vì một xã hội thông tin lành mạnh, tử tế”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT
Trương Minh Tuấn
 
Mạng xã hội mang lại nhiều giá trị to lớn cho cộng đồng nhưng mạng xã hội cũng đang làm băng hoại đạo đức xã hội. Cải thiện môi trường thông tin là ưu tiên hàng đầu của tôi với chương trình hành động sắp đến mang tên “Vì một xã hội thông tin lành mạnh, tử tế”.

Tiến hành xây dựng luật và áp dụng luật thật nghiêm kèm với giáo dục cộng đồng, kêu gọi cộng đồng xây dựng các giá trị văn hóa, đạo đức trên môi trường mạng là hai biện pháp chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian đến. Tôi hy vọng môi trường xã hội thông tin lành mạnh, tử tế sẽ mang lại nhiều lợi ích và tiến bộ.

- Những năm qua, dù công tác quản lý viễn thông có chuyển biến tích cực song vẫn tồn tại nhiều bức xúc trong xã hội như tin nhắn rác, thiếu minh bạch trong giá cước. Những tồn tại này sẽ được khắc phục như nào trong nhiệm kỳ của ông?

Trong những năm qua, lĩnh vực viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40-50%, trở thành một trong những lĩnh vực có nhiều đóng góp nhất cho ngân sách nhà nước. Viễn thông được khẳng định, như một trong những ngành hạ tầng cơ bản, hỗ trợ các ngành khác phát triển, theo kịp với thế giới.

Tuy nhiên, người dân vẫn có nhiều bức xúc đối với lĩnh vực này liên quan đến việc quản lý thuê bao di động trả trước còn nhiều khó khăn, tin nhắn rác bắt đầu tăng trở lại qua dịch vụ thông tin internet di động OTT; còn nhiều tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, dụ dỗ người dùng gọi điện tới tổng đài 1900 để trừ tiền từ tài khoản của người sử dụng.

Xác định rõ những tồn tại đó để có biện pháp khắc phục. Việc nảy sinh vấn nạn tin nhắn rác là vì lợi ích kinh tế. Các doanh nghiệp sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ nhằm tăng doanh thu. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cài đặt sẵn dịch vụ nội dung trên sim điện thoại cho phép tải thông tin và tính phí, song không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo giá cước cho người sử dụng.

Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm để điều chỉnh lĩnh vực này, có chế tài xử lý nghiêm khắc, đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, làm tốt công tác tuyên truyền để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Video: Ông Trương Minh Tuấn: "Phải cảnh giác các thông tin bịa đặt"

Nguồn: Tiền phong

Bình luận
vtcnews.vn