Chiều 12/8/2016, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình lần thứ 11 với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Văn phòng Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam đã trình bày báo cáo rà soát các công tác trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM, để chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 địa phương này vào ngày 15/8/2016.
Theo đó, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 hiện nay đã đảm bảo lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) tại 4 thành phố nêu trên. Tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh truyền hình có thể thu được là từ 26 kênh đến 70 kênh chương trình, trong đó có 5 – 7 kênh chương trình HD.
Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã thực hiện việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tới các hộ nghèo, cận nghèo theo quy định tại 4 thành phố và địa bàn 19 tỉnh lân cận. Cụ thể, tại Hà Nội có 34.409 hộ, Cần Thơ 25.102 hộ, Hải Phòng 27.706 hộ, một phần địa bàn của 19 tỉnh lân cận 327.324 hộ.
Nhằm đảm bảo cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố nêu trên được thành công, Cục Tần số Vô tuyến điện đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về số hóa.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc phân phối thiết bị thu truyền hình số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, Cục Tần số Vô tuyến điện đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình quyết định và công bố thời điểm bắt đầu ngừng phát sóng toàn bộ các kênh chương trình truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương (trừ kênh BTV) kể từ 24h00 ngày 16/8/2016.
Ghi nhận những ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Minh Tuấn đã không thống nhất với đề xuất lùi thời điểm ngừng phát sóng analog mà Cục Tần số Vô tuyến điện nêu ra.
“Dứt khoát không thể lui được nữa. Dứt khoát 24h ngày 15/8 hoặc 0h ngày 16/8 sẽ ngưng phát sóng analog ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý: “Ban Chỉ đạo phải họp tới phiên thứ 11 vì đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Thực tế, công tác tuyên truyền về số hóa truyền hình thời gian qua ở nhiều nơi vẫn chưa đến nơi đến chốn, làm chưa tốt. Nhiều vùng người dân chưa biết analog là gì, nếu tắt thì ảnh hưởng thế nào.
Đề nghị VTV, VOV, Đài phát thanh – truyền hình của 4 tỉnh, thành phố
nêu trên đẩy mạnh việc phát các video clip về số hóa và kế hoạch ngừng phát sóng, chỉ khoảng 1 phút trong khung giờ vàng để người xem biết
Đề nghị các đơn vị của Bộ phối hợp các đài phát thanh – truyền hình đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về số hóa, đặc biệt trên các kênh truyền hình tương tự và trên hệ thống các đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh huyện, xã, phường để người dân nhận thức được và chủ động chuyển đổi”.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đề nghị Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chỉ đạo việc nhắn tin qua điện thoại cho người dân biết về chủ trương số hóa truyền hình. Với vùng phụ cận bị ảnh hưởng, đề nghị Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT tích cực điều chỉnh dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo ai cũng xem được truyền hình, không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, đề nghị Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì lập các đoàn công tác, tổ công tác ngay từ bây giờ để kiểm tra, giám sát việc phân phối thiết bị đầu thu số hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, nếu thấy có vấn đề thì đề nghị Ban chỉ đạo có phương án xử lý kịp thời trên tinh thần không để ảnh hưởng đến người dân.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp phải phối hợp Sở TT&TT 4 thành phố rà soát chất lượng phát sóng truyền hình tại các địa phương này. Thời điểm này phải đặt lợi nhuận vào phía sau mục đích phục vụ người dân.
Về hỗ trợ đầu thu, đề nghị Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích kiểm tra rà soát lại. “Đừng để người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo không xem được truyền hình, nhất là những chương trình thiết yếu. Với những hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới, các địa phương trước hết phải chủ động. Quỹ cũng cần phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục mua sắm thiết bị hỗ trợ, đảm bảo không để người dân không xem được truyền hình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các Bộ liên quan như Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương phối hợp để có chỉ đạo chung, nhất là việc áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng đầu thu theo hướng ưu đãi thuế để thúc đẩy nhanh tiến trình số hóa truyền hình mặt đất.
Bình luận