• Zalo

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Cứu bất động sản bằng chính sách

Kinh tếThứ Bảy, 01/02/2014 07:09:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, muốn giải cứu thị trường bất động sản Việt Nam, không chỉ dùng tiền mà quan trọng là phải có chính sách hướng tới người dân.

- Trong một năm Bộ Xây dựng đã xây dựng khung 3 bộ Luật quan trọng là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS; cùng hàng loạt các Nghị định, được Quốc hội và dư luận xã hội đánh giá cao. Hành lang pháp lý này sẽ tạo chuyển biến trong công tác quản lý đầu tư xây dựng như thế nào?
Năm 2013 Bộ Xây dựng xác định nhiệm vụ trong tâm đó là tập trung để hoàn thiện thể chế liên quan tới đầu tư xây dựng. Bộ đã tập trung xây dựng các văn bản pháp luật, các nghị định, đặc biệt là đã hoàn thành xong 3 dự thảo luật: luật Xây dựng, luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản và đã được chính phủ thông qua để trình chính phủ vào năm 2014.
Bộ trưởng
Đồng thời Bộ đã thực hiện nhiều nghị định rất quan trọng, điển hình là Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị, Nghị định 15 về quản lý chất lượng xây dựng, Nghị định 188 về quản lý phát triển nhà ở xã hội, Nghị định 64 về cấp phép xây dựng...
Đây là bước đổi mới hết sức quan trọng để khắc phục tư tưởng thị trường hóa cũng như tư tưởng nhà nước hóa trong quá trình xây dựng pháp luật.
Quá trình quản lý và đổi mới hết sức quan trọng ở đây là cụ thể hóa quan điểm của Đảng, của Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, vừa coi trọng thị trường, nhưng phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát quá trình phát triển; đặc biệt là quá trình phát triển đô thị, quá trình đầu tư xây dựng, cũng như quá trình phát triển nhà ở để đảm bảo khắc phục được những thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Cùng với đó là hướng những sản phẩm bất động sản đến với người dân, để khắc phục những lệch pha về cung cầu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tập trung tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, khắc phục những hạn chế thất thoát, nâng cao hiệu quả đầu tư;
Đổi mới trong việc xây dựng chính sách chính là yêu cầu quá trình phát triển đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nhà ở cũng như xây dựng phải theo quy hoạch, có kế hoạch và khắc phục tình trạng tự phát, phong trào dẫn đến những dự án treo, quy hoạch treo, đầu tư dàn trải, nợ đọng đầu tư xây dựng, thừa nhà ở cao cấp thiếu nhà giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân…
Từ đó, yêu cầu các cơ quan, đặc biệt là chính quyền các cấp vào cuộc để đưa những chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở trở thành những chỉ tiêu pháp lệnh, tức là phải kế hoạch hóa quá trình quản lý đầu tư và phát triển, từ đó thực hiện đầu tư bằng các nguồn lực phù hợp với khả năng thanh toán của nền kinh tế, khả năng của mỗi địa  phương, mỗi cơ quan…
- Được biết đến là một vị Bộ trưởng say mê xây dựng thể chế chính sách và luôn đặt lợi ích của người dân là trọng tâm, có người ví von ông “mang tiền cho dân bằng chính sách”. Xin Bộ trưởng chia sẻ về điều này? 
Là cơ quan chính phủ, Bộ Xây dựng không thể lấy tiền ở đâu để cho người dân mà phải tập trung xây dựng chính sách hướng tới người dân.
Chẳng hạn như chính sách về phát triển nhà ở, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một quan điểm mới: Phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân.
Nhà ở xã hội chưa phát huy được hiệu quả
Trong đó, nhà nước phải xây dựng các chính sách, đồng thời phải có những hỗ trợ phát triển nhà ở, thay vì nhà ở chỉ phát triển theo nguyên tắc thị trường.
Trong chiến lược nhà ở, đặc biệt là trong Nghị định 188 cụ thể hóa chiến lược nhà ở đã khẳng định phải phát triển 2 loại nhà ở: nhà ở thị trường để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường; đồng thời phát nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của nhà nước về tiền sử dụng đất, về chính sách tín dụng, giảm thuế VAT đầu ra…
- Cụ thể những tác động của các chính sách này là như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Những chính sách này đi vào cuộc sống thì những người đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội sẽ được giảm khoảng 30 - 40% giá trị của ngôi nhà mà  mình được tiếp cận. Như vậy là nhà nước đã hỗ trợ bằng chính sách cho người dân 30 - 40% trong nguồn kinh phí mà người dân phải bỏ ra.
Từ đó, tạo ra sự bình đẳng, minh bạch và những ai đủ điều kiện sẽ được tiếp cận với nhà ở xã hội, góp phần quan trọng giúp người dân cải thiện chỗ ở, đem lại cuộc sống có chất lượng hơn, phát triển nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
- Các chính sách của Bộ Xây dựng đối với thị trường bất động sản trong năm 2013 được đánh giá là khá linh hoạt. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về điều này?
Đối với các nước giàu, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, họ có thể dùng tiền để mua lại BĐS đang dư thừa, sau đó cho người dân thuê hoặc bán lại khi thị trường ấm lên.
Đối với VN, chúng ta còn nhiều khó khăn, không có ngân sách để cứu BĐS nên phải áp dụng các giải pháp đồng bộ để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên, những chính sách này phải làm sao để mất ít tiền nhất nhưng lại cho hiệu quả cao nhất.
Và kết quả đã được ghi nhận qua sự ấm dần của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2013 để tạo đà khởi sắc trong năm 2014 này.
Trong vấn đề này, quan điểm và nhận thức đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó là chuyển hóa suy nghĩ của cả xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà hoạch định chính sách cho đến doanh nghiệp và cả người dân. Phải gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia và quản lý phát triển đô thị nói chung.
Như vậy, phải hướng BĐS phát triển theo quy hoạch và có kế hoạch thay vì hình thành tự phát, mang nặng tính phong trào như suốt thời gian vừa qua. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần có ý thức đưa hàng hóa BĐS hướng đến người dân, đáp ứng cả ý nghĩa nhân văn; tránh tình trạng các nhà đầu tư BĐS làm ra sản phẩm nhưng chỉ phục vụ được một bộ phận nhỏ trong xã hội, khi ấy nguồn cung dư thừa còn đại đa số người dân nghèo lại vẫn rất thiếu nhà ở.
Để đảm bảo cán cân cung cầu và phân bổ hàng hóa hợp lý, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ, yêu cầu giảm cung nhà ở cao cấp, tăng cung nguồn nhà ở giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân để khắc phục lệch pha về cung cầu về BĐS như trong thời gian vừa qua.
- Một trong những chiến lược được Bộ Xây dựng triển khai tích cực trong thời gian qua là phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng đây có phải là giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không?
Việc tập trung phát triển nhà ở xã hội là một chính sách đúng đắn nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội để hướng đến người dân, giúp người còn khó khăn có cơ hội cải thiện nhà ở, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Phát triển nhà ở xã hội chính là một trong các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đồng thời tạo động lực tăng cầu cho nền kinh tế. Thị trường BĐS được cải thiện còn giúp giải quyết khó khăn cho các ngành vật liệu xây dựng, thép, nội thất, điện,… góp phần làm ấm trở lại nền kinh tế.
Đến lúc đó, người dân sẽ có thu nhập cao hơn, cuộc sống được cải thiện thì họ sẽ quay trở lại mua nhà ở thương mại. Một mũi tên đã bắn trúng nhiều đích nhưng trong đó đặc biệt đề cao mục tiêu vì con người, vì người dân.
- Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ngành của ngành Xây dựng năm 2014? Đặc biệt, các chương trình phát triển nhà ở sẽ triển khai thực hiện ra sao để không chỉ người dân đô thị mà cả người dân vùng nông thôn đều có cơ hội cải thiện chỗ ở thưa Bộ trưởng?
Nhiệm vụ số một của ngành Xây dựng trong năm 2014 vẫn là tiếp tục hoàn thiện thể chế, với những quan điểm được đổi mới một cách căn bản. Bộ Xây dựng đã rất nỗ lực trong suốt thời gian qua để cụ thể hóa những quan điểm này và trình lên Quốc hội xem xét thông qua; sau đó cụ thể hóa bằng những Nghị định, Thông tư. Khối lượng công việc còn rất nhiều và rất nặng nề.
Cùng với việc tập trung quản lý đầu tư xây dựng để khắc phục thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư thì quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch cũng được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2014.
Đặc biệt, các chương trình phát triển nhà ở sẽ được triển khai một cách toàn diện, trong đó dành nhiều sự quan tâm đến chương trình nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn.
Theo đó, năm 2014 sẽ tập trung xây dựng đề án phát triển nhà ở tránh bão, lũ cho đồng bào duyên hải của 28 tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Việc xây dựng đề án này phải được tập trung để ứng phó với những biến đổi bất thường của khí hậu Vệt Nam; đặc biệt là những cơn bão lớn, ảnh hưởng đến không chỉ tài sản mà còn tính mạng của người dân.
Hàng loạt các chương trình khác cũng đồng loạt được triển khai thực hiện như: Nhà ở 167 giai đoạn 2, Nhà cho người có công, nhà ở xã hội tại đô thị. Mục tiêu đề ra là phải giúp những người nghèo, người dân khó khăn về nhà ở được cải thiện chỗ ở, phù hợp với mong muốn của Đảng, Nhà nước cũng như kỳ vọng của đại đa số người dân; hướng đến mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Bình luận
vtcnews.vn