“Trước đây xử lý người sử dụng giấy tờ giả nặng về xử lý hành chính, nhưng chúng tôi thấy rằng đã đến lúc phải xem xét xử lý hình sự”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tại phần trả lời chất vấn Quốc hội chiều 9/11.
Lấy ví dụ hậu quả nặng nề từ giấy tờ giả như việc sử dụng bằng lái xe giả có thể dẫn tới tai nạn chết người hay cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả để tiến thân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục tập trung đấu tranh để bóc dỡ các đường dây làm giấy tờ giả.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, qua đấu tranh, đối tượng khai nhận có thể tự thực hiện được hầu hết các công đoạn từ chế tạo phôi bằng, con dấu, chữ ký và sẵn sàng nhận làm giả hầu hết giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng Đại học như Y, Dược, bằng lái xe, bằng tốt nghiệp phục vụ cho công tác đề bạt.
“Những đối tượng này chia thành 2 nhóm: Làm giả để hoạt động lừa đảo, hoặc để phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá cán bộ. Ngay trong đội ngũ cán bộ, nhiều người đã sử dụng giấy tờ giả”, ông Tô Lâm nói.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Công an đưa ra giải pháp. Trước hết, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng phải tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo tới cơ quan chức năng và người dân về phương thức hoạt động mua bán giấy tờ giả trên internet. Các cơ quan cần rà soát, phát hiện việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Về xử lý tín dụng đen, Bộ trưởng Công an đánh giá hoạt động tội phạm này đã được kiềm chế. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tấn công, đồng thời siết chặt luật để có thể xử lý nghiêm loại tội phạm này.
“Tội phạm này đã được kiềm chế, đối tượng không dám hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy vậy tình hình còn tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng internet và nhu cầu tín dụng đen còn nhiều”, ông Tô Lâm nói.
Về tội phạm ma tuý, Đại tướng Tô Lâm cho biết, năm 2020, mặc dù tình hình dịch phức tạp nhưng tội phạm ma tuý vẫn hoạt động rất mạnh. Theo số liệu thống kê, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vụ việc tăng hơn 30%. Bộ Công an thừa nhận chưa chặn đứng được nguồn cung rất lớn từ nước ngoài về.
Bình luận