Mở đầu phiên chất vấn sáng 4/6, 5 đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Trương Thị Lương Yến (Cà Mau), Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) bày tỏ quan ngại về tình trạng buôn bán ma túy diễn biến phức tạp.
Đăng đàn trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định công tác phòng chống ma túy là vấn đề nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân.
Đề cập đến vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, Bộ trưởng Công an nói điều 199 Bộ Luật hình sự bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma tuý; quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... Bộ Công an đang nghiên cứu để sửa đổi quy định của luật pháp liên quan, đề ra biện pháp hữu hiệu hơn.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên tháo gỡ khó khăn về pháp luật, thực hiện đồng bộ giải pháp chặn nguồn cung, giảm nhu cầu trong nước; tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng về phòng, chống ma tuý.
"Trong quản lý cửa khẩu, thủ tục hàng hoá nhập khẩu thông quan rất thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng lại bị tội phạm lợi dụng. Chúng tính toán là làm 3 vụ, bị bắt 2 vụ thì vẫn có lời", ông Lâm nói.
Bộ trưởng Công an cho rằng, thời gian tới, các lực lượng ở cửa khẩu như biên phòng, công an cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định lực lượng công an dự báo trước tình hình, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống. Theo Bộ trưởng, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế. Việt Nam lại rất gần với khu trung tâm "Tam giác vàng". Cùng với đó, tình hình ma túy hiện nay trên thế giới phức tạp. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Việt Nam đang hợp tác với các nước, đặc biệt là các quốc gia ASEAN đấu tranh với loại tội phạm này .
Từ tháng 10/2018, Bộ Công an được Thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về phòng chống ma túy. Các nước ASEAN cũng có sự phối hợp và phát hiện đường dây, tổ chức ma túy với số lượng lớn.
Bộ Công an triển khai các biện pháp tích cực để ngăn chặn nguồn ma túy khổng lồ, chiếm 70% qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị chia cắt, các đối tượng lại chuyển vào miền Trung. Đặc biệt từ năm 2019, phát hiện có sự can thiệp, chỉ đạo của tội phạm nước ngoài.
Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, "liệu Việt Nam có tiếp tục là địa bàn trung chuyển ma tuý; tại sao gần đây công an phát hiện nhiều vụ ma tuý lớn; có phải hoạt động ma tuý ở Việt Nam dễ hơn nên tội phạm mới chuyển từ các nước khác về Việt Nam?".
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết mặc dù vừa qua lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ một số vụ án ma tuý "lớn chưa từng có", nhưng nguy cơ loại tội phạm này phát triển vẫn hiện hữu, đòi hỏi công tác đấu tranh phải mạnh mẽ hơn nữa.
Theo ông Tô Lâm, nhu cầu ma tuý trong nước vẫn lớn và dù lực lượng công an vừa qua bắt giữ hàng tấn ma tuý, nhưng nguồn cung từ nước ngoài vào chưa được ngăn chặn triệt để, điều này thể hiện ở giá ma tuý chưa cao.
"Nếu ngăn chặn tốt ma tuý từ nước ngoài vào thì giá sẽ cao lên, kích thích tội phạm vì lợi nhuận manh động hơn nữa. Khi đó, người nghiện cần tiền mua ma tuý, giá cao lên thì họ sẽ trộm cắp, thậm chí cướp của, giết người tăng cao. Tuy nhiên, công an đánh án hàng tấn như vậy mà giá vẫn chưa tăng cao, chứng tỏ nguồn cung vào nước ta vẫn phức tạp", Bộ trưởng Lâm nói.
Lãnh đạo Bộ Công an giải thích thêm, sở dĩ có thực trạng trên vì Việt Nam đang phải chịu áp lực ma tuý từ nước ngoài vào rất lớn. Từ khu vực "Tam giác vàng" đến Việt Nam chỉ 500 km; điều kiện đất nước mở cửa để phát triển kinh tế cũng là cơ sở để tội phạm lợi dụng đưa ma tuý vào Việt Nam.
Ngoài ra, đường biên giới Việt Nam rất dài khiến việc kiểm soát khó khăn. Hiện cơ quan chức năng mới kiểm soát được ở các cửa khẩu, còn các lối mòn thì chưa thể kiểm soát.
"Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổng thể để ngăn chặn tội phạm qua biên giới. Chúng tôi cũng phối hợp Lào tổ chức cao điểm triệt phá ma tuý có hiệu quả tốt...", ông Tô Lâm nói.
Bình luận