Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ nỗi lo lắng về tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn đến cả vấn đề an ninh quốc gia. “Vấn đề này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với chế độ, gây mất trật tự khi cái gì cũng thấy giả”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc “cái gì cũng giả” khiến không ai biết đâu là ranh giới chuẩn mực của xã hội, không dám tin ai cả. “Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả thì đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội”, Thượng tướng Tô Lâm cảnh báo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho các đối tượng nước ngoài mang hàng giả vào Việt Nam. Các đối tượng đặt hàng từ phía Trung Quốc từ bóng đèn, phích nước, quần áo... nhưng lại dán mác Việt Nam, hướng dẫn sử dụng cũng đều ghi Việt Nam để trà trộn với hàng trong nước.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Cẩn kiến nghị cần thực hiện cách thức công khai doanh nghiệp để người tiêu dùng biết.
“Nhiều doanh nghiệp nói rằng, nếu Tổng Cục hải quan công khai việc doanh nghiệp sử dụng hàng giả thì sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm thật khác của họ. Do đó, các doanh nghiệp này tìm cách để ngăn việc công khai. Nhưng với tình hình hiện nay chúng ta không nên “né” mà cần công khai, minh bạch để người dân biết rõ được việc làm ăn gian dối của các doanh nghiệp”, ông Cẩn kiến nghị.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), trong 6 tháng vừa qua, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xử, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng diễn ra nhiều nơi.
Đáng chú ý nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân như vụ công ty TSC tại Hà Nội, vụ công ty Vinaca tại Hải Phòng.
Về tình trạng buôn lậu theo Ban Chỉ đạo 389, diễn biến phức tạp tại địa bàn khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Đặc biệt, từ tháng 4 trở lại đây nổi lên hiện tượng buôn lậu vào Việt Nam lợn, gia cầm.
Ở biên giới các tỉnh miền Trung, sau khi bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu thì tại Lao Bảo 1 Quảng trị, Cầu Treo 1 Hà Tĩnh tĩnh trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát, mỹ phẩm,... diễn ra rất phức tạp. Ở biên giới Tây Nam bộ, hoạt động buôn lậu thuốc lá, đường cát vẫn phức tạp tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An và biên giới tỉnh An Giang.
Bình luận