• Zalo

Bộ trưởng TN&MT: Hồ chứa miền Trung điều tiết nhịp nhàng, cắt đỉnh lũ cho hạ du

Đời sốngThứ Năm, 05/11/2020 12:51:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nếu tính toán hợp lý thì các thủy điện nhỏ vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng mà không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên.

Thảo luận tại Quốc hội sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trườngTrần Hồng Hà cho rằng mặc dù không có khả năng cắt đỉnh lũ nhưng sự điều tiết nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học của các hồ chứa miền Trung, đã giúp làm giảm đỉnh lũ từ 30 đến 70% cho vùng hạ du.

Ngoài ra, hầu hết các hồ chứa lớn đều có chức năng cung cấp 30-50% nước cho mùa cạn, đặc biệt vào mùa khô hạn khi lượng nước ở các dòng sông mất đi lên tới 80 -90%.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân dẫn tới các thảm họa thiên tai ở miền Trung là do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung tạo lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử. 

Dẫn thông tin từ báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam nằm trong vòng bão của Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất và thứ 16 trong số các nước có khí hậu cực đoan. 

Bộ trưởng TN&MT: Hồ chứa miền Trung điều tiết nhịp nhàng, cắt đỉnh lũ cho hạ du - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Về các vụ sát lở xảy ra vừa qua, Bộ trưởng cho rằng phải có nghiên cứu độc lập của các cơ quan khoa học để đánh giá đầy đủ, nhưng theo thông tin cho tới nay, nguyên nhân là do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, như Quảng Nam có mưa tới 500 mm một ngày, có nơi từ 2.000 đến 4.000 mm.

Các số liệu cho thấy các điểm sạt lở như ở trạm kiểm lâm 67, Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Phước Sơn), đoàn 337… ở độ cao từ 300-900 m, nên ở đây không có vấn đề do thủy điện.

Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, do phong hóa, đất cát sét sỏi độ gắn kết rất thấp, địa hình dốc, tạo ra độ trượt, tạo ra đứt gãy…; cộng thêm lượng mưa lớn gia tăng trọng lượng trượt. Vì thế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cũng phải đánh giá cụ thể hơn về thực trạng rừng tại các khu vực này.

Liên quan tới vấn đề thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá lỗi ở đây là chưa phân tích được lợi ích, tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ.

"Nếu tính toán các công trình này hài hòa với tự nhiên thì vẫn duy trì được nguồn điện năng mà không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên", ông Hà khẳng định 

Đề cập tới việc chuyển đổi mục đích rừng, Bộ trưởng cho rằng không thể không làm vì dân số Việt Nam trên 100 triệu, cần không gian phát triển đô thị, bố trí dân cư. Nhưng việc chuyển đổi này cần phải tính toán lợi ích, tức là phải khoanh vùng chức năng khu vực rừng cần phải bảo vệ gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn