(VTC News) - Cùng điểm lại những con số ấn tượng liên quan đến Bộ trưởng Đinh La Thăng và ngành giao thông vận tải trong năm vừa qua.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có một năm khá thành công với ngành giao thông vận tải. Diện mạo của ngành đã có những chuyển biến rõ rệt dưới sự chỉ huy của vị tư lệnh có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong số các Bộ trưởng.
Cùng điểm lại những con số ấn tượng liên quan đến Bộ trưởng Đinh La Thăng và ngành giao thông vận tải trong năm 2014 vừa qua.
Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao nhất
Chiều 15/11/2014, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Năm 2013, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạt 186 phiếu tín nhiệm cao, với 37,35%. Còn nếu xếp trong toàn bộ danh sách lấy phiếu, Bộ trưởng Thăng đứng thứ tư.
Hai tuyến đường cao tốc lớn được khánh thành
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, sự nỗ lực của toàn ngành giao thông, năm vừa qua đánh dấu sự phát triển của ngành với hai tuyến đường cao tốc lớn nhất ở Việt Nam được đưa vào khai thác sử dụng.
Ngày 21/9/2014, tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam là Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng trong sự mong đợi của hàng triệu người dân cả nước.
Tuyến cao tốc dài 265 km có điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đường cao tốc này là một phần của đường Xuyên Á AH14.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây |
Phần lớn đường cao tốc sẽ đi ven theo bờ sông Hồng. Tuyến này đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Tuyến cao tốc đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và ngược lại. Tuyến đường đưa vào hoạt động được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hôi khu vực này.
Mới đây, ngày 8/2, tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức đưa vào sử dụng, vượt tiến độ 1 năm. Cũng như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết nối TP HCM và các tỉnh phía Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tuyến cáo tốc này nối TP HCM với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Hòa, thuộc Quận 2, TP HCM và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Dự án đường cao tốc được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 10, 2009 với quy mô 4–8 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 – chỉ xây dựng bốn làn xe trên toàn tuyến, có vốn đầu tư là 9.890 tỷ đồng từ nguồn vay ODA.
Dự án được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Tuyến đường cao tốc được chia thành hai đoạn do 2 đơn vị cấp vốn gồm: Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành do JICA cấp vốn và Long Thành – Dầu Giây do ADB cấp vốn.
Lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm dưới 9.000
Trong năm 2014, cả nước xảy ra 25.322 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 8.996 người và 24.417 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 4.063 vụ, 373 người chết, 5.083 người bị thương.
Phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông (ATGT) Việt Nam năm 2014 ngày 27/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, công tác đảm bảo ATGT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tai nạn giao thông liên tiếp giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Số người tử vong do TNGT lần đầu tiên giảm xuống dưới 9000 sau nhiều năm |
Lần đầu tiên sau nhiều năm, trong hai năm liền 2012 và 2013, số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 10.000 người, đặc biệt năm 2014 số người chết đã giảm xuống dưới 9.000 người.
Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông hiện nay vẫn đặt ra những thách thức lớn, vẫn tồn tại nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container, tai nạn xảy ra ở vùng nông thôn, miền núi có diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời gian tới, cả nước cần phải có thêm nhiều nỗ lực, cố gằng hơn nữa để tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông. Theo Nghị quyết số 87 của Quốc hội giao nhiệm vụ về bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 là giảm cả ba tiêu chí từ 5% - 10% ở tất cả các địa phương.
Tỉ lệ xe quá tải giảm xuống còn 8,3%
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2014, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra được hơn 412.200 lượt xe, phát hiện và xử lý được 59.400 phương tiện vi phạm quá tải trọng (14,4%), hạ tải hơn 23.000 xe, xử phạt 227 tỷ đồng. Hiện tỉ lệ xe quá tải giảm từ 50% xuống còn 8,3% những tháng cuối năm.
Về công tác quản lý tải trọng xe, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, Tổng cục Đường bộ đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, Bộ Công an, các địa phương đồng loạt triển khai công tác kiểm soát tải trọng trên toàn quốc.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra hoạt động của các Trạm; kịp thời giải đáp, xử lý những vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát tải trọng xe.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đã thành lập 9 đoàn thanh, kiểm tra công tác cơi nới thùng hàng tại các địa phương; tăng cường kiểm soát quá tải tại đầu nguồn kho, cảng, nhà máy lớn, các công trình xây dựng; chỉ đạo các Ban quản lý dự án có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn xe chở vật liệu xây dựng quá tải trọng.
Bộ trưởng Thăng đánh giá công tác kiểm soát xe tải trọng là một cuộc chiến cam go, thách thức. Mặc dù thời gian vừa qua tình trạng xe quá tải đã giảm nhưng vẫn còn là vấn đề nan giải.
Bộ trưởng yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương tập trung kiểm soát tải trọng, chấm dứt tình trạng xe quá tải. Bộ trưởng cũng yêu cầu các ban ngành, địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý quyết liệt để năm 2015 không còn xe quá tải.
Xây dựng 186 cầu treo dân sinh
Bộ GTVT khẳng định đến tháng 6/2015, sẽ hoàn tất 186 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Theo Bộ GTVT, Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đang được triển khai quyết liệt nhằm hoàn thành xây dựng 186 cầu treo trong thời gian 09 tháng kể từ ngày các thủ tục triển khai đề án được hoàn tất.
Bộ GTVT đã ban hành các Thông tư “Hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh” và "Hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn”, đồng thời cho lập và công bố thiết kế mẫu cầu treo có khẩu độ từ 40 mét đến 120 mét; khổ cầu 1,5 mét và 2,0 mét để áp dụng cho thiết kế và thi công đại trà.
Cầu treo Nam Công vừa khánh thành những ngày cận Tết Ất Mùi 2015 |
Chủ trương xây dựng cầu treo dân sinh là thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm phục vụ việc đi lại của nhân dân các vùng núi, đồng bào dân tộc, các cháu học sinh với phương châm bốn nhất: an toàn nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất.
Mặc dù quá trình triển khai đề án cầu treo dân sinh đã gặp không ít khó khăn từ nguồn vốn, việc khảo sát thiết kế và triển khai thi công phải thực hiện trên địa bàn rất rộng, phân tán, chủ yếu là địa bàn miền núi xa xôi, khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, còn vướng mắc trong công tác GPMB, các vị trí xây dựng cầu có nhiều thay đổi theo đề nghị của các địa phương.
Một số vị trí cầu khi khảo sát thấy không phù hợp với tiêu chí xây dựng cầu treo phải kiến nghị thay đổi. Chủ đầu tư đã mất nhiều thời gian cho việc rà soát lại toàn bộ 186 vị trí xây dựng cầu để có điều chỉnh kịp thời.
Cho đến nay, tham gia xây dựng cầu treo dân sinh đã có 35 nhà thầu được lựa chọn đang đồng loạt triển khai thi công 130 cầu, phấn đấu trước Tết Âm lịch Ất Mùi sẽ cơ bản hoàn thành 80 cầu, toàn bộ số cầu còn lại sẽ hoàn thành trước 30/6/2015.
Thi tuyển chức danh 5 "ghế nóng"
Trong năm 2014, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ như Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Vận tải; Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông; Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã được tiến hành thành công.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện yêu cầu xử lý xe quá tải ngay tại công trường (Ảnh:duongbo.vn) |
Năm 2014, Bộ GTVT được đánh giá là "đột phá" trong công tác tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng từng đánh giá, việc công khai thi tuyển các chức danh lãnh đạo của Bộ GTVT như cánh én báo hiệu mùa xuân của một nền quản trị minh bạch.
Với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, dám làm, dám chịu, vị tổng tư lệnh ngành GTVT đang từng bước thay đổi bộ mặt của ngành giao thông trong nhiệm kỳ của mình.
Minh Chiến
Bình luận