Hậu kiểm xe đã đăng kiểm
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Thăng dẫn thông tin về những khiếm khuyết của các tàu cao tốc cánh ngầm ở TP.HCM được báo chí đăng tải. Theo đó, có đến 4/9 tàu có hiện tượng rò rỉ dầu từ máy chính; 6/9 tàu có các ống dẫn nhiên liệu, dầu cung cấp cho máy chính và máy đèn sử dụng ống nhựa PVC bị rạn nứt không đảm bảo an toàn PCCC; ba tàu bị rò rỉ nước tại các khoang lái, khoang khách, khoang buồng máy; bốn tàu có phao cứu sinh còn nguyên bọc nylon làm hạn chế khi sử dụng…
“Các “anh” đăng kiểm có thấy “cay” trước những thông tin này không? Vấn đề kiểm định tàu cánh ngầm đã được Bộ chỉ đạo làm chặt chẽ từ đầu năm 2013 rồi. Nhưng phải đến sau vụ cháy tàu VinaExpress hồi trước tết Giáp Ngọ, báo chí, các cơ quan khác vào cuộc mới phát hiện ra những lỗi kinh hoàng như thế. Không lẽ bây giờ đưa nhà báo qua làm đăng kiểm, còn các anh đăng kiểm cho đi làm báo ư?” - Bộ trưởng Thăng gay gắt.
Việc kiểm tra hộp đen, kiểm soát tải trọng sẽ được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, rộng khắp trong năm 2014. Ảnh: L.Đức
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, khẳng định tới đây sẽ thanh, kiểm tra kỹ các xe đã qua đăng kiểm đang lưu thông (hậu kiểm đăng kiểm) và thanh, kiểm tra hoạt động của toàn hệ thống đăng kiểm. “Trạm kiểm định móc với chủ xe, doanh nghiệp để can thiệp vào kết quả kiểm định thì xử cả xe, cả trạm!” - ông Huyện nói.
Lắp hộp đen còn tùy hứng
Năm 2013, thanh tra GTVT cả nước liên tục mở các cuộc kiểm tra việc lắp đặt, khai thác thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). “Hộp đen là phương tiện giúp ích cho công tác quản lý nhà nước về vận tải, về an toàn giao thông nhưng các quy định hiện hành còn nhiều điểm chưa đồng bộ, gây khó cho cả lái, chủ xe và lực lượng thanh tra!” - ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nêu vấn đề.
Ông Phát dẫn chứng, do chưa có quy định cụ thể về vị trí lắp đặt hộp đen trên xe nên chủ xe, doanh nghiệp tùy hứng lắp ẩn hoặc hở, gây khó cho cả lái xe khi nhập và thanh tra khi trích xuất dữ liệu. Cổng và máy in trích xuất dữ liệu từ hộp đen do không có quy định đồng bộ nên có khi thanh tra không lấy được dữ liệu nhưng doanh nghiệp lại làm được…
Ngoài đề nghị đồng bộ, chuẩn hóa hộp đen, máy in, đường truyền… ông Phát còn đưa ra đề xuất được phạt nguội sau khi phát hiện vi phạm từ việc trích xuất từ hộp đen, máy chủ. “Nhiều lái xe liên tục lái quá bốn giờ/ca hoặc nhiều lần vi phạm chạy quá tốc độ trên 100 km/giờ được thanh tra phát hiện từ trên máy chủ của doanh nghiệp thì cũng phải bị xử phạt như lái xe bị phát hiện, bắn tốc độ trên đường!” - ông Phát đề nghị.
Chặn xe luồn trạm, lách luật Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi Tổng cục triển khai các trạm kiểm soát tải trọng ô tô, ở một số quốc lộ đã xuất hiện tình trạng xe chở quá tải luồn lách vào các tuyến đường nhánh thuộc tỉnh quản lý. “Do đó, việc kiểm soát tải trọng phải được tiến hành đồng loạt trên quốc lộ, tỉnh và huyện lộ, thậm chí là đường liên xã” - ông Cường đề nghị. Còn theo ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, hiện chỉ quy định việc lắp hộp đen với xe container, xe đầu kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc có kinh doanh vận tải nên nhiều xe dạng này viện lý do chở hàng nội bộ, không kinh doanh vận tải để né tránh. “Cần quy định, các xe dạng trên có kinh doanh hay không đều phải lắp hộp đen, có phù hiệu xe container thì mới ngăn chặn được tình trạng lách luật!” - ông Phát nói. Bộ GTVT sẽ thi tuyển tất cả chức danh Tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay sau khi kết thúc việc thi tuyển chức danh tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ sẽ nghiên cứu thi tuyển đối với tất cả chức danh do Bộ bổ nhiệm. Theo ông Thăng, thi tuyển là cách tốt nhất để công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ, loại bỏ được nạn chạy chức, chạy quyền và người tài sẽ được trọng dụng. Nói về việc thi tuyển chức danh tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ông Thăng khẳng định việc chấm thi sẽ khách quan, ai có điểm cao sẽ trúng tuyển. Thành Văn |
Bình luận