Bộ trưởng Thăng: Tạm giữ người uống rượu bia lái xe

Thời sựThứ Ba, 24/04/2012 01:02:00 +07:00

(VTC News) - "Chúng tôi cũng đã tham khảo các nước trên thế giới, và đã có đề xuất tạm giữ hành chính với người uống rượu bia khi lái ô tô và xe máy".

(VTC News) - Đúng 8 giờ sáng nay (24/4), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Mở đầu buổi giải trình, Đại biểu Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá: “Ngày 26/11/2011, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 21, trong đó ghi nhân một số giải pháp mà Chính phủ và các ngành đã báo cáo với Quốc hội nhàm giảm thiểu tai nạn giao thông. Quốc hội đã giao các ban và đại điểu trong phạm vi quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này”.

Buổi giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức. 

“Năm 2012 được chọn là năm thiết lập lại kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp. Thực hiện quy định trong Hiến pháp và Pháp luật, trên cơ sở đó cùng chung tay chung sức, cùng Chính phủ và địa phương đề ra các giải pháp có tính thực tiễn góp phần giảm đáng kể tai nạn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc nhất la tại các thành phố lớn, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình này”, Đại biểu Lý cho biết thêm.

Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thẳng và Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) về thực trạng và giải pháp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các đại biểu đã có phần đặt câu hỏi để Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan giải trình.

Dưới đây là một số câu hỏi và phần trả lời của các đại biểu tại buổi giải trình.

- Đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội hỏi: Các vụ việc vi phạm an toàn giao thông ở nước ta rất cao, năm qua có 8,3 triệu vụ vi phạm bị xử lý, chưa kể vụ không xử lý hoặc không phát hiện ra, số lượng đấy còn rất nhiều. Tôi có nói vui, mỗi năm tai nạn giao thông làm chết "1 sư đoàn", và "loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 3-4 sư đoàn" khác. Số người chết và bị thương là không thuyên giảm, vậy trách nhiệm quả lý nhà nước của Bộ tới đâu để giảm tình trạng này, hoặc cái nào Bộ chưa làm được để xảy ra tình trạng này?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Theo số liệu thống kê, số vụ, số người chết vi tai nạn trong 3 năm đều giảm, riêng trong quý I/2012 đã giảm hơn 800 vụ. Rõ ràng các biện pháp đang áp dụng đã có phát huy tác dụng, đặc biệt là trong quý I/2012 dù có tháng Tết nhưng tai nạn vẫn giảm. Cứ đà này thì cuối năm nay sẽ giảm khoảng 2.000 người chết vì tai nạn giao thông, tất nhiên số vụ và số người chết vẫn lớn.

Nội dung quản lý của Bộ rất lớn, và Bộ đã thực hiện đồng loạt các giải pháp. Về lâu dài tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạp pháp luật; hoàn thiện chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vận tải; tăng cường chỉ đạo của cấp ủy Đảng; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, tuy vốn đầu tư có giảm, nhưng đang xây dựng chương trình hành động, mục tiêu là năm 2020 đưa nước ta cơ bản là nước công nghiệp; giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt; xây dựng hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông, xử lý bằng hình ảnh; đề xuất một số cơ chế tài chính…

Về biện pháp cấp bách: Năm 2012 là năm an toàn giao thông, đang thực hiện hàng loạt giải pháp, như tăng cường kiểm soát xử phạt vi phạm giao thông; có đề án nâng cao chất lượng đội ngũ xử phạt vi phạm; áp dụng công nghệ hiện đại trong kiểm định chất lượng phương tiện, hạn chế tối đa sự tham gia của con người vào quá trình kiểm tra…

- Đại biểu Phùng Quốc Hiển: Chúng ta nói rất nhiều tới việc tăng quyền cho lực lượng chức năng, tăng mức xử phạt, tăng mức đầu tư… Nhưng nói rất ít tăng trách nhiệm, tăng ý thức của đội ngũ làm công tác công vụ. Vậy Bộ làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ xử lý vi phạm, như Thanh tra giao thông, để hạn chế tiêu cực trong lực lượng này. Tôi có cảm giác Thanh tra gia thông làm chưa đúng chức năng của mình, lấn sang cả việc của Cảnh sát giao thông, Bộ trưởng có thể giải trình thêm?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Hiện Bộ GTVT và Bộ Công an đều có đề án riêng nhằm nâng cao đạo đức, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

- Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hỏi: Dư luận cho rằng, hiện nay việc dùng tiền ngân sách để đầu tư công trình giao thông vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng, thì Bộ GTVT lại đề xuất thu Phí bảo trì đường bộ, nên nhiều người dân không đồng ý, vậy Bộ có thể giải thích vì sao vẫn trình Chính phủ?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Bản thân Bộ cũng bức xúc trước thực trạng công trình giao thông hầu hết đều chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo, nên đã xác định lấy năm 2011 là năm chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Qua đó đã xác định trách nhiệm các chủ thể tham gia xây dựng công trình giao thông, như chủ đầu tư, các lực lượng tư vấn, thi công…

Năm 2012 chúng tôi tiếp tục chọn là năm chất lượng công trình, và thực tế đã xử lý một số cán bộ vi phạm, thay nhà thầu, thay tư vấn giám sát… Và sẽ tiếp tục xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra chậm tiến độ, và chất lượng kém. Tất nhiên chậm tiến độ công trình một phần là do giải phóng mặt bằng.

Việc đề xuất thu Quỹ bảo trì đường bộ là nhằm có nguồn thu để bảo dưỡng, sửa chữa đường hàng năm. Nếu làm đúng thì Quỹ này phải có sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực năm 2006, chậm thì cùng lắm là 6 tháng sau thời điểm đấy phải có. Nhưng giờ mới trình, cái này Bộ xin nhận trách nhiệm.

- Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Thành viên Ủy ban các vấn đề Xã hội hỏi: Hiện nay đang xảy ra tình trạng học giả bằng giả, học giả bằng thật. Vậy Bộ có đề xuất nào nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm một cách đồng bộ?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Bộ đã xây dựng và đang triển khai đề án để chấn chỉnh công tác đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe, đồng thời tiếp tục triển khai việc cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới, nhằm làm sao một người chỉ một bằng, không thể làm giả được. Tất nhiên cần phải có lộ trình và ý thức người dân, ngay như việc cấm còi trong nội đô là việc làm không mất tiền mà mãi cũng không làm được.

- Đại biểu Phùng Quốc Hiển hỏi: Có hay không việc phân biệt đối xử khi xử lý vi phạm hành chính, khi tại một số nước người ta ưu tiên cho phương tiện công cộng, như xe taxi, xe buýt, tại sao ở Hà Nội lại cấm taxi đi vào một số tuyến đường, giờ quy định mà không cấm phương tiện khác. Người dân còn nói, xe xịn, biển số đẹp cùng một lỗi vi phạm như xe taxi, nhưng nếu là taxi vi phạm thì lãnh đủ?

- Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trả lời: Việc đưa ra quy định như vậy là chúng tôi có phân tích về thực trạng giao thông của thành phố, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8% đất đô thị (quy hoạch là 20-25%), mặt cắt đường hẹp, phương tiện tăng nhanh (khoảng 12%/năm).

Một trong các giải pháp vừa qua thành phố có triển khai nhằm hạn chế ùn tắc, trong đó có giải pháp điều tiết hoạt động phương tiện theo giờ cao điểm tại một số tuyến phố phương tiện quá tải, trong đó có cấm taxi lưu thông một số giờ cao điểm, như Tây Sơn, Chùa Bộc… để giảm ùn tắc.

Sau thời gian thí điểm tại một số tuyến và nút giao thông, bước đầu đã có thông thoáng hơn.

Về xử lý vi phạm chủ phương tiện, với taxi chiếm khoảng 3% tổng số ô tô hiện tại trên địa bàn, mức độ xử phạt taxi chiếm 1,5% tổng số các vụ việc vi phạm bị xử lý, và trong tất cả trường hợp đều xử lý như nhau, không phân biệt xe sang, biển đẹp với các xe khác, đã sai phạm là xử lý.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Nguyễn Văn Khôi.

- Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền hỏi: Có tiêu chí thống nhất nào để báo cáo đánh giá giảm thiểu tai nạn, khi mà số liệu tai nạn của Bộ Công an đưa ra khác với số liệu của Bộ GTVT, phải chăng hai Bộ có báo khác nhau?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Tất cả liên quan đến vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đều có số thống kê đầy đủ. Toàn bộ số liệu đó đều do Bộ Công an thống kê và cung cấp, nên không thể có hai con số khác nhau được.

- Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Về phí phương tiện, chúng ta có thể chọn cách không thu thêm phí của người, thành lập quỹ nhưng không nhất thiết tiền phải thu của dân, như tiết kiệm từ việc chống lãng phí, từ ngân sách, phí xăng dầu…?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Chúng ta phải đồng thời áp dụng nhiều biện pháp chứ không phải riêng chỉ thu phí. Mục tiêu là xây dựng hạ tầng tốt, đồng tiền được sử dụng hiệu quả, hệ thống đường sá đảm bảo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Đại biểu Đặng Đình Luyến: Trong báo cáo của bộ có đề cập tới thực trạng một số cán bộ chiến sỹ có năng lực hạn chế, tác phong chưa đúng mực… Vậy số này có nhiều không, và hướng xử lý của Bộ GTVT thế nào? Bộ GTVT có đề xuất nâng mức xử phạt hành chính lên 200 triệu đồng, gấp 5 lần pháp lệnh hiện hành, cơ sở nào để Bộ đưa ra đề xuất này?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Thực tế, có quy định nhiều lực lượng cùng tham gia xử phạt vi phạm giao thông, nên dẫn tới tình trạng chồng chéo, hoặc là có vi phạm không ai xử phạt vì nghĩ của người nọ người kia. Vì vậy trong đề xuất sửa đổi Nghị định 34 chúng tôi đã có đề xuất tăng mức xử phạt và quy định rõ trách nhiệm xử phạt cho từng lực lượng riêng, gồm lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng.

Về đề xuất tăng mức xử phạt là căn cứ vào tình hình thực tiễn và căn cứ vào luật pháp hiện hành. Và mức phạt này chỉ áp dụng mới một số vi phạm gây nguy hiểm cho nhiều người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công trình giao thông…

- Đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội hỏi: Ý kiến của Bộ trưởng thế nào trước đề xuất tạm giữ hành chính với người sử dụng rượu bia khi điều kiển phương tiện?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Trong quy định trong Luật Đường bộ đã nêu rất rõ rằng đối với người lái ô tô thì tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi đang lái xe, đối với người điều kiển mô tô, xe máy có quy định rõ mức vi phạm theo nồng độ cồn trong máu.

Chúng tôi cũng đã tham khảo các nước trên thế giới, và đã có đề xuất tạm giữ hành chính với người uống rượu bia khi lái ô tô và xe máy.

- Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Hiện nay ô tô quá tải phá đường rất nhiều, nhưng biện pháp kiểm soát của Bộ GTVT đưa ra không mấy hiệu quả, thời gian tới Bộ trưởng có biện pháp nào vừa đỡ tốn kém lại hiệu quả nhất để chấn chỉnh tình trạng này?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Chúng tôi có đề nghị dừng hẳn việc cơi nới, hoán cải xe. Ngoài ra, vừa rồi đã có đánh giá hiệu quả việc thực hiện hai trạm cân thí điểm tại Quảng Ninh và Đồng Nai, từ đấy chúng tôi đề xuất xây dựng thêm 32 trạm cân xe trên các tuyến Quốc lội, chia làm 4 giai đoạn, với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi hy vọng với giải pháp đồng bộ như vậy sẽ kiểm soát được xe quá tải lưu thông trên đường.

Đại biểu Dương Trung Quốc. 

- Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Về tăng mức chia tiền xử phạt vi phạm giao thông cho lực lượng công vụ, điều này có cần thiết, vì người dân cho rằng lực lượng công vụ đã làm việc thì có lương do nhà nước chi trả, và việc chia tỷ lệ này có thể làm lực lượng công vụ lợi dụng đây để xử phạt cao hơn?

- Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh trả lời: Đã vi phạm thì chắc chắn phải thu tiền phạt, nếu không vi phạm sẽ nhiều hơn. Việc ban hành Thông tư không phải để thu được nhiều tiền, mà là để hạn chế vi phạm, và khi thu được thì đầu tư trở lại cho ngời thu, một phần cho hạ tầng, và các công tác có liên quan khác.

Còn việc chia tiền xử phạt là để chi trả thêm cho anh em Cảnh sát giao thông làm ngoài giờ hành chính. Và chỉ bồi dưỡng 100.000/1 giờ, đấy không phải là cao. Thậm chí có ý kiến nếu không có bồi dưỡng sẽ phát sinh tiêu cực.

- Đại biểu Dương Trung Quốc hỏi: Dường như tất cả chính sách đều tập trung vào xe tư nhân, hay còn gọi là xe biển trắng, còn một lượng lớn xe biển xanh không thấy nhắc tới, tôi cảm thấy có phân biệt đối xử trong việc này, theo số liệu thì xe biển xanh gấp 3 lần xe biển trắng, nhưng không có số liệu, vậy Bộ GTVT có biện pháp gì để đảm bảo công bằng?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Không có việc phân biệt đối xử giữa xe biển xanh và xe biển trắng, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Tất nhiên thực tế cũng có một số xe công ít bị thổi còi, ít bị xử lý, nhưng vẫn không ít trường hợp xe công vi phạm vẫn bị xử lý nghiêm.

- Đại biểu Dương Trung Quốc hỏi: Có vẻ như Bộ GTVT chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức giao thông đường thủy, gần như bỏ quên năng lực của nó cũng như tác dụng của nó với ngành vận tải, điều này có hay không, và biện pháp của Bộ là gì?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, Bộ GTVT luôn chú trọng tất cả các loại hình giao thông, trong đó có đầu tư đường bộ, đường thủy và đường sắt. Bộ GTVT cũng đã có đề án đầu tư kết nối các loại hình giao thông với nhau, làm sao hài hòa giữa các loại hình, và phát huy tốt nhất tác dụng của từng loại hình với giao thông vận tải.

Trong buổi chiều nay (24/4) buổi giải trình sẽ được tiếp tục.

Lê Việt (lược ghi)

Bình luận
vtcnews.vn