• Zalo

Bộ trưởng Thăng: 'Ngành hàng không phải nhìn trực diện vào yếu kém'

Thời sựThứ Bảy, 27/12/2014 07:36:00 +07:00Google News

Trước những yếu kém của ngành hàng không, Bộ trưởng Thăng yêu cầu toàn ngành phải kiểm điểm sâu sắc, thay đổi tư duy, nhìn thẳng vào những yếu kém

(VTC News) - Năm qua, ngành hàng không xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng khiến người dân lo lắng về an toàn trên từng chuyến bay.

Năm 2014 được nhìn nhận là năm "đáng quên" của ngành hàng không Việt Nam với liên tiếp những sự cố uy hiếp an toàn hàng không. Đặc biệt, hàng không trong năm qua giữ những "kỷ lục" khiến dư luận giật mình khi để xảy ra sự cố sập nguồn điện dẫn đến mất quyền điều hành bay ở Tân Sơn Nhất, máy bay suýt đụng nhau trên vùng trời, thậm chí máy bay đã vận chuyển toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá đến Cam Ranh trong khi lịch trình là Đà Lạt...

"Công tác đảm bảo an toàn bay trong năm 2014 chưa vững chắc. Số vụ việc năm 2014 tăng cao hơn nhiều so với năm 2013, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng", Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh khẳng định tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 ở Cục hàng không Việt Nam.

11 sự cố hàng không nghiêm trọng

Theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam, trong năm 2014 không xảy ra tai nạn liên quan đến lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, trong năm 2014 có tổng cộng 401 vụ việc được báo cáo, trong đó có 91 sự cố (phân loại theo mức B, C, và D).

Trong tổng số 91 sự cố an toàn hàng không được phân loại Mức B, C, D có 72 sự cố liên quan đến các tàu bay quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, Mức D: 61 sự cố; Mức C: 8 sự cố; Mức B: 3 sự cố.

"Số lượng sự cố, vụ việc được báo cáo trong năm 2014 có sự gia tăng mạnh so với năm 2013, đặc biệt là các sự cố Mức B, D tăng mạnh lần lượt ở mức 200% và 207%.

Số lượng sự cố liên quan đến vi phạm quy định quản lý bay và phân cách bay tăng. Trong khi đó, số lượng sự cố trong lĩnh vực quản lý cảng hàng không sân bay cũng gia tăng, chủ yếu do các yếu tố như chim va đập với tàu bay (54 sự cố), va đạp với vật ngoại lai, động vật xâm nhập khu vực bay..." ông Lại Xuân Thanh cho hay.

Trong đó, phải kể đến sự cố cố xảy ra ngày 20/11/2014, tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh ) đã bị mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay do hỏng bộ lưu điện (UPS). Sự cố này gây ra việc AACC Hồ Chí Minh mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay làm ảnh hưởng đến 92 chuyến bay trong khoảng thời gian xảy ra sự cố. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đánh giá sự cố trên là một kỷ lục mà không ai muốn giữ. Theo ông Thăng, tỷ lệ chậm huỷ chuyến tăng bất thường; Máy bay hạ cánh nhầm, máy bay suýt đâm nhau; Chất lượng, giá cả dịch vụ bị hành khác phàn nàn.

Bộ trưởng Thăng đánh giá, ngành hàng không năm vừa rồi bị người dân kêu ca phàn nàn quá nhiều, làm mất hình ảnh của chính mình, mất hình ảnh của ngành GTVT, ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia.

 Ảnh minh họa

Trước những yếu kém của ngành hàng không trong năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu toàn ngành phải kiểm điểm sâu sắc, thay đổi tư duy, nhìn thẳng vào những yếu kém để khắc phục nhanh nhất, nâng cao chất lượng của ngành. 

Nhân lực yếu về nhiều mặt

Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thẳng thắn nhìn nhận, công tác đảm bảo an toàn bay trong năm 2014 chưa vững chắc. Số vụ việc năm 2014 tăng cao hơn nhiều so với năm 2013, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng.

"Vẫn để xảy ra nhiều sự cố an toàn do lỗi của tổ bay, nhân viên lý thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay; do trình độ chuyên môn và ý thức tuân thủ các quy định khai thác tiêu chuẩn , đặc biệt một số lỗi yếu tố con người, lỗi hệ thống mang tính nghiêm trọng" ông Thanh nói.

Những sự cố hàng không tại Việt Nam:


Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ hàng không còn nhiều yếu kém, gây bức xúc trong xã hội. Công tác chủ động dự báo về tình hình hoạt động chung của ngành để có các chương trình, giải pháp phù hợp chưa tốt, dẫn đến tình trạng quá tải, tăng số chuyến bay chậm, hủy chuyến, giảm chất lượng dịch vụ tại một số cảng hàng không sân bay. Thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của nhân tại các cảng hàng không chưa thực sự chuyên nghiệp.

Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, tồn tại của ngành hàng không trong năm qua là nguồn nhân lực còn thiếu và yếu về nhiều mặt. Thiếu nhân lực chuyên sâu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Về nguyên nhân, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của Cục và Cảng vụ còn nhiều bất cập, đặc biệt là tiêu chuẩn đầu vào chưa được coi trọng. Công tác nhận xét, đánh giá nguồn nhân lực còn hạn chế. Cùng với đó, hệ thống đào tạo chuyên ngành chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, công tác đào tạo nội bộ chưa được đẩy mạnh và đổi mới về nội dung, phương pháp.

Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục hàng không Việt Nam đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng, cần phải có những đánh giá toàn diện về nhân lực, ở tất cả các bộ phận, từ đó đưa ra các chính sách đào tạo, xây dựng, thu hút nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho toàn ngành hàng không.

Một lần nữa những sự cố hàng không hy hữu đã xảy ra mà trong đó phần lớn đến từ nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người thì thì mối lo về an toàn của hành khách, mối lo ngại của dư luận về an toàn hàng không Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. 

Liệu trong năm 2015 tới đây, ngành hàng không Việt Nam sẽ làm gì để thay đổi hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế và chính những người dân Việt Nam hàng ngày đang sử dụng dịch vụ bay?

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn