Bộ trưởng Thăng khẳng định không bán sân bay Phú Quốc

Thời sựThứ Hai, 29/06/2015 11:34:00 +07:00

Trước lo ngại của nhiều người dân về vấn đề an ninh quốc phòng, Bộ trưởng Thăng khẳng định không bán sân bay Phú Quốc mà đó là hình thức chuyển nhượng

(VTC News) - Trước lo ngại của nhiều người dân về vấn đề an ninh quốc phòng, Bộ trưởng Thăng khẳng định không bán sân bay Phú Quốc mà đó là một hình thức chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng hàng không.

Trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời", ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã giải đáp nhiều vấn đề nóng của ngành được người dân đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.

Trước việc Bộ GTVT đang trình chính phủ chủ trương được "bán" sân bay Phú Quốc cho tư nhân, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng đến Bộ trưởng Thăng về vấn đề an ninh quốc phòng. 

Bộ trường Thăng lý giải, đây không phải là bán sân bay Phú Quốc mà là một hình thức chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đã được quy định. 

Việc “Nhượng quyền khai thác” hạng mục nào, sân bay nào đều phải lấy mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ làm tiêu chí quyết định. Chúng tôi đưa ra 6 nguyên tắc việc nhượng quyền phải tuân thủ trong đó có những nguyên tắc nhằm mục đích đảm bảo an ninh quốc phòng. 

"Cụ thể, toàn bộ vai trò quản lý của Nhà nước như kiểm soát vùng trời, an ninh an toàn… không chuyển giao cho tư nhân; Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản phục vụ mục đích an ninh quốc phòng; Không chuyển nhượng những hạng mục kết cấu hạ tầng sử dụng kết hợp quân sự - dân sự có vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng; Nhà đầu tư có trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng và phục vụ cơ quan nhà nước thực thi công vụ (xuất nhập cảnh, an ninh, hải quan...)" Bộ trưởng Thăng nói.

Trên thế giới, trong khu vực người ta làm việc này lâu rồi nhưng với nước ta thì là mới. Do đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phép làm thí điểm. 

Bộ trưởng Thăng nhìn nhận, do đây là vấn đề nhạy cảm nên phải làm hết sức thận trọng, làm thí điểm, có tổng kết đánh giá. Khi có kết quả rồi mới nhân rộng nhưng cũng phải có lộ trình và đặc biệt là phải đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước, đảm bảo an ninh an toàn hàng không, không chuyển nhượng quyền sở hữu hạ tầng, quyền sở hữu đất.

Trước những băn khoăn của người dân về việc khi chuyển nhượng sân bay cho các nhà đầu tư sẽ nảy sinh độc quyền, nâng giá, Bộ trưởng Thăng khẳng định: "Dù là nhà đầu tư nào đi nữa thì toàn bộ giá cả sẽ được quản lý theo khung giá quy định, cả dịch vụ hàng không và phi hàng không. Giá cả thì phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính chứ không được nâng giá".

Người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh: "Việc chuyển nhượng này đảm bảo không dẫn đến thất thoát, không dẫn đến khả năng một nhà đầu tư có thể chi phối giá cả dịch vụ hàng không và phi hàng không".

Một trạm thu phí trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: Minh Chiến)
Người dân về tình trạng hằn lún vệt bánh xe tại dự án BOT Quốc lộ 1, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Tổ đặc nhiệm để tìm nguyên nhân và đã đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng này.

Bộ trưởng Thăng cho rằng: "Nhà thầu, nhà đầu tư không ai muốn làm đường hằn lún cả. Đặc biệt khi thời hạn bảo hành công trình đã nâng lên 4 năm. Khi xảy ra hằn lún thì nhà thầu, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra để khắc phục. Khi hằn lùn thì hội đồng nghiệm thu không nghiệm thu công trình và không cho thu phí".

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, để hạn chế tình trạng hằn lún đường nhựa, Bộ đang cho rà soát toàn bộ lại các quy chuẩn, quy phạm về thiết kế, việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào đối với chất lượng nhựa đường, quy chuẩn thiết kế đối với cấp phối bê tông, kiểm soát tải trọng xe và rất nhiều các giải pháp khác, đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quá trình nhà thầu thi công, sao cho hạn chế thấp nhất việc hằn lún này.

Một lần nữa người dân lại đặt câu hỏi có hay không việc phí chồng phí khi người dân vừa phải trả phí đường bộ, vừa phải trả phí qua các trạm BOT gửi đến người đứng đầu ngành giao thông vận tải.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Thăng cho biết, theo quy định của luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn, phí đường bộ thu theo đầu phương tiện thì dùng để bảo trì các đường quốc lộ, các đường ở địa phương do nhà nước đầu tư. Còn phí thu qua các trạm BOT dùng để hoàn vốn và bảo trì cho các tuyến đường đó.

Bộ trưởng Thăng khẳng định: "Mỗi loại phí có phương thức, nội dung và mục đích của việc sử dụng phí khác nhau. Do đó, không có chuyện phí chồng phí như người dân vẫn băn khoăn".

Liên quan đến vấn đề đặt trạm thu phí, Bộ trưởng Thăng cho biết, việc đặt trạm thu phí phải theo đúng quy định của pháp luật, đối với trạm thu phí đặt trên đường quốc lộ phải có sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn đối với các trạm thu phi đặt trên đường địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định. 

"Tuy nhiên, hiện nay có sự thay đổi chính sách, nên một số trạm thu phí đặt trước đây do vấn đề lịch sử để lại và cần có sự thay đổi. Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành rà soát và sẽ xóa bỏ một số trạm thu phí không phù hợp” Bộ trưởng Thăng khẳng định. 

M.Chiến
Bình luận
vtcnews.vn