(VTC News) - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc kêu gọi các nhà đầu tư cho hạ tầng giao thông cần đảm bảo lợi ích của người dân.
"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào các công trình nhưng cũng phải đảm bảo sự hài lòng cho người dân" đó là phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại hội thảo thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông diễn ra sáng nay (12/12).
Bộ trưởng Thăng khẳng định, việc đầu tư hạ tầng được Đảng, Nhà nước coi là điểm nghẽn trong tiến trình phát triển của đất nước cần phải thúc đẩy đầu tư để đưa đất nước tiến lên hiện đại hóa vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng GTVT được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Kêu gọi và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông cần hài hòa, đảm bảo lợi ích người dân' (Ảnh: Minh Chiến) |
Trong đó ưu tiên cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng; tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua.
Mặc dù vậy, ông Thăng cũng thẳng thắn nhìn nhận hạ tầng giao thông hiện nay còn nhiều bất cập, thực tế cho thấy hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Theo Bộ trưởng, để có thể đạt được các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đã đề ra, nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được ban hành đặc biệt là theo mô hình BOT và hợp tác công - tư (PPP).
Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Định La Thăng cho rằng, việc thực hiện các dự án PPP cũng có những khó khăn, rủi ro nên việc thực hiện cần phải đảm bảo hài hòa giữa nhà nước – chủ đầu tư – người dân.
"Để hài hòa các lợi ích cần có thể chế chính sách để gắn kết hài hòa các lợi ích trên. Nếu chỉ có lợi ích của một bên thì khó, hơn nữa nếu người dân không ủng hộ đồng tình thì các nhà đầu tư cũng khó có thể thu phí", Bộ trưởng Thăng cho hay.
Trên cơ sở hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐCP và quyết định số 71/2010/QĐTTG và bổ sung các quy định mới, chính phủ Việt Nam dự kiến ban hành một nghị định PPP mới về lĩnh vực này trong tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015.
"Hy vọng đây sẽ là một hành lang pháp lý mới tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể thời gian tới. Cần có chính sách ổn định và lâu dài, các quy định về tín dụng, phí để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và bảo đảm sự hài lòng cho người dân", Bộ trưởng Thăng nói trước hội nghị.
Bộ trưởng Thăng cũng đề cao việc sử dụng nguồn vốn từ kêu gọi đầu tư cần minh bạch, công khai. Ông Thăng cho rằng, sở dĩ cần đề cao vấn đề này là để đảm bảo việc người dân bỏ ra đồng phí sử dụng xứng đáng.
Minh Chiến
Bình luận