(VTC News) - "Trước cổng Bộ GTVT, tôi có chỉ đạo Thanh tra Bộ cho cẩu hết, xe của ai cũng cẩu. Mình không gương mẫu thì nói ai được”,Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói vào sáng nay (2/3), tại buổi làm việc với quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thay đổi cơ chế
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để kêu gọi được các nhà đầu tư tư nhân vào xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là bãi đỗ xe, vấn đề là phải mở ra được giá. Tuy nhiên, giá trông giữ xe phải tương xứng với chất lượng dịch vụ, và vị trí từng nơi.
Sẽ thay đổi quy định về phí trông giữ xe để kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào xây dựng các điểm trông giữ xe.
Về việc rút giấy phép trông giữ xe, xử lý xe vi phạm về dừng đỗ, Bộ trưởng Thăng đề nghị quận Hoàn Kiếm – quận có nhiều tuyến phố cấm trông giữ phương tiện, cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, thường xuyên, liên tục, đảm bảo trả lại lòng đường cho giao thông, vỉa hè cho người đi bộ.
Đồng thời, người đứng đầu Bộ GTVT cũng đề nghị Thành phố Hà Nội nghiên cứu, trang bị xe chuyên dụng cẩu kéo cho các quận. Vì nếu không có xe chuyên dụng thì không làm gì được những xe vi phạm. Thậm chí chủ xe có ngồi trước mặt lực lượng chức năng uống café, mà họ không ra thì lực lượng cũng không làm được gì.
“Như trước cổng Bộ GTVT, các ô tô từ nhiều chỗ khác đem tới đấy đỗ, báo chí phản ánh cũng nhiều. Sau đó tôi có chỉ đạo Thanh tra Bộ cho cẩu hết, xe của ai cũng cẩu. Mình không gương mẫu thì nói ai được”, Bộ trưởng Thăng dẫn chứng.
Vì vậy, Bộ trưởng Thăng cho rằng, trước mắt thì tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt, mà phải phạt nặng thì mới có tác dụng. Còn lâu dài thì phải tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.
Thời gian tới Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, cùng Hà Nội sẽ thanh kiểm tra việc thực hiện việc giải phóng lòng đường, vỉa hè và việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
“Hiện nay Luật đường bộ có quy định bao nhiêu tỉnh, thành phố có quyền sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông, tới đây sử dụng như thế nào cũng phải thể chế hóa. Chứ không thể để mỗi địa phương sử dụng một cách như hiện nay”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cũng cho rằng, cái khó nhất trong tìm điểm đỗ chính là cơ chế. Hai vấn đề phải tách bạch ngay là phí lệ phí, giá dịch vụ. Phí chỉ dùng cho đất công còn đất tư thì phải dùng giá thì mới kêu gọi được nhà đầu tư.
Chỗ đỗ xe để bán cafe, đẩy trách nhiệm cho xã hội
Đánh giá về thực trạng giao thông tĩnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ đất dành cho giao thông trong đô thị của quận Hoàn Kiếm là cao nhất Thành phố, 12% đất đô thị. Nhưng giao thông tĩnh chỉ đáp ứng được 6-7% nhu cầu. Vì quận tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, dịch vụ thương mại phát triển. Nên chưa đáp ứng nổi sự phát triển, và nhu cầu đỗ xe của người dân.
“Hiện nay giao thông tĩnh đang cực kỳ khó khăn, khó khăn hơn cả giao thông công cộng. Hệ thống hạ tầng chưa phải đến mức phải cải tạo, mở rộng, nhưng giao thông tĩnh thì cấp bách, nhu cầu đỗ xe lớn…”, ông Hùng so sánh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đi xe điện để thị sát giao thông Hà Nội.
Trong khi đó, ông Thạch Như Sỹ tỏ rõ bức xúc: “Hiện nay nhiều cơ quan, tòa nhà khi thiết kế đều có chỗ đỗ xe, nhưng sau đó lại sử dụng không đúng mục đích, rồi tổ chức trông giữ xe ra vỉa hè, đường phố, đẩy bức xúc của mình cho xã hội”.
Ông Sỹ dẫn chứng, như Cung văn hóa thiếu nhi, trong khi ở khuôn viên cho thuê diện tích bán cà phê, nhưng lại dùng hè phố để trông xe. Cũng như vậy, tại Bệnh viện Việt Đức, điểm mà hiện tại đang là căng tin, chỗ bán thuốc, trước đây chính là nơi trông giữ xe, còn xe thì đẩy ra vỉa hè…
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khẳng định, trong thời gian tới Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng sẽ tiếp tục phải quản lý chặt vỉa hè. Dẹp lấn chiếm xong mới tính đến chuyện sắp xếp điểm đỗ xe, trông giữ xe.
Ông Khôi lưu ý, những tuyến được đỗ trên hè phải sắp xếp lại cho trật tự hơn, trong đó phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Ngoài 77 tuyến đã cấm trông giữ xe, các tuyến khác, căn cứ vào điều kiện thực tế để sắp xếp điểm dừng đỗ cho người dân.
“Cách tốt nhất hiện nay với quận Hoàn Kiếm là tổ chức trông giữ xe ở khu vực ngoài đê, khi đó mới tạo thêm tuyến phố đi bộ trong trung tâm. Ủy quyền luôn cho quận Hoàn Kiếm cũng như các quận khác trên địa bàn tìm đất trống để sắp xếp điểm trông giữ phương tiện. Đương nhiên, khi thu hồi đất, thuê đất phải theo quy định”, ông Khôi lưu ý.
Lê Việt
Bình luận