(VTC News) – Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Nếu bảo đầu tư sân bay không hiệu quả thì đầu tư vào bất động sản hay vào đâu?
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 29/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là một trong những dự án gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Ngay trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (21/10) nhiều ĐBQH cũng cho rằng việc đầu tư sân bay Long Thành vào thời điểm này là không hợp lý vì nợ kinh tế đang khó khăn, ngân sách eo hẹp, nợ công quá cao.
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Đợt trình ra Quốc hội chủ trương đầu tư xay dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành lần này không phải để phê duyệt dự án triển khai ngay mà mới chỉ là xin chủ trương. Từ chủ trương đến lập dự án tiền khả thi đến khi thực hiện là cả một quãng thời gian dài, không thể nhanh được"
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí sáng 21/10 |
Như thế nào là không hiệu quả? Nếu nói không hiệu quả thì không đầu tư sân bay nữa mà đầu tư bất động sản hay đầu tư vào ngành nào?
Đặc thù của nước ta là sử dụng dân dụng lẫn quốc phòng an ninh. Từ khi đất nước giải phóng tới nay chúng ta chỉ đầu tư duy nhất một cảng hàng không mới là cảng Phú Quốc, còn lại toàn bộ là cảng hàng không đã có từ trước tới nay.
Những ý kiến cho rằng đầu tư nhiều sân bay, đầu tư dàn trải thì không phải. Có những sân bay như Điện Biên, nếu không hiệu quả thì không ai duy trì cả. Hay một số sân bay khác buộc phải duy trì vì nó không chỉ là hiệu quả về dân dụng kinh tế mà còn có cả vấn đề quốc phòng an ninh. Cả mạng lưới sân bay quy hoạch từ trước đây, từ khi đất nước chưa giải phóng đã có rồi. Thậm chí như Hải Phòng trước đây có 3 sân bay là Đồ Sơn, Kiến An, Cát Bi thì đều gắn với cả quốc phòng, an ninh…
Còn nói chuyện đầu tư sân bay có hiệu quả không? Tôi xin nói, hiện Tổng công ty Hàng không VN hiện vẫn hoạt động tốt, có lãi, tất nhiên cũng có vấn đề nọ vấn đề kia cần phải chấn chỉnh nâng cao hiệu quả lên. Nhưng việc đầu tư như vậy là cần thiết, và một đất nước phát triển, một đất nước hội nhập thì không thể không có hàng không được.
- Có thể đầu tư sân bay sẽ hiệu quả, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, nợ công đang gia tăng thì việc đầu tư “siêu” dự án vào thời điểm này có hợp lý không?
Nhân dân, dư luận và nhiều ĐBQH cũng chia sẻ sân bay Long Thành là cần thiết, vì việc mở rộng Tân Sơn Nhất là không thể. Tuy nhiên đưa sân bay Long Thành vào thời điểm này rõ ràng là không có lợi, vì Quốc hội đang bàn đến nợ công. Chính phủ đã có báo cáo rồi, hiện nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát dù có xu hướng tăng nhanh.
|
Do vậy, chúng ta phải tính toán với từng dự án cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Sân bay Long Thành cũng như thế. Phải tính toán việc đầu tư sân bay Long Thành trong sự phát triển chung của đất nước, đảm bảo được các tiêu chí về yếu tố nợ công.
Chính vì vậy đợt trình ra Quốc hội lần này không phải để phê duyệt dự án triển khai ngay mà mới chỉ là xin chủ trương. Từ chủ trương đến lập dự án tiền khả thi đến khi thực hiện là cả một quãng thời gian dài, không thể nhanh được.
- Nếu chủ trương xây sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua thì bài toán kinh phí cho dự án cũng không đơn giản, thưa ông?
Đúng là vấn đề mà Quốc hội và nhân dân quan tâm là tiền đâu? Trong báo cáo cũng đã nêu rồi. Báo cáo tiền khả thi chỉ là một số con số hết sức khái toán. Còn để đảm bảo chính xác hơn, đầy đủ hơn theo yêu cầu của Quốc hội cũng như yêu cầu của người dân, đây là đòi hỏi chính đáng nhưng rất tiếc có những cái không thể trả lời ngay được, giải đáp ngay được những vấn đề mà Quốc hội và nhân dân cần. Vì cái đó nằm trong giai đoạn báo cáo khả thi.
Muốn làm được cái đó phải có khảo sát, thiết kế, nhưng bây giờ QH chưa phê duyệt chủ trương thì chưa thể làm báo cáo khả thi được bởi vì cũng phải có tiền. Chứ cứ đi làm báo cáo khả thi mà QH không thông qua thì cũng thành chuyện.
Trong báo cáo khái toán có số tiền 7,8 tỷ USD chia làm 2 giai đoạn, số tiền này chỉ được huy động bằng tiền ngân sách lo phần GPMB, hỗ trợ tái định cư, trụ sở các cơ quan hải quan, thuế, an ninh… Số còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư – DN bỏ tiền vào đầu tư cũng như DN sẽ vay lại vốn ODA của Chính phủ, trên cơ sở Chính phủ vay ODA và cho DN vay lại. DN sẽ có trách nhiệm đầu tư và có trách nhiệm trả nợ sau này.
Vốn cho sân bay Long Thành đúng là lớn thật nhưng cái phần nhà nước chỉ lo một số phần cơ bản như tôi vừa đề cập thôi. Tuy nhiên 24 nghìn tỷ cũng là một con số quá lớn so với bây giờ. Mà vốn cũng chỉ là một vấn đề khó khăn thôi, còn nhiều vấn đề lắm. Ví dụ ngay chuyện GPMB, phần lớn 100% người dân đã đồng ý ký hết, tỉnh Đồng Nai họ làm rất tốt khi đi thỏa thuận tới từng người dân. Nhưng thực tế khi bắt đầu triển khai, khi Quốc hội quyết định đầu tư rồi thì giá đất lại khác.
Lan Uyên
Bình luận