Đăng ký tranh luận, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên - Huế cho biết, lĩnh vực mặt hàng tạm nhập tái xuất lợi ít, hại nhiều, lợi dụng để buôn lậu. Ông đề nghị Bộ Tài chính cho biết, thanh tra Bộ đã bắt giữ được bao nhiêu vụ và giải pháp nào để chấm dứt.
“Bộ trưởng báo bức tranh thuế tốt nhưng một số lĩnh vực thất thu thuế. Kinh doanh bất động sản, đất vàng ở thành phố lớn, kinh doanh hàng Google, Uber, Grab, thất thu thuế lớn, có lĩnh vực không thu được đồng thuế nào thì Bộ trưởng có giải pháp gì?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Cũng liên quan đến thuế, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho biết vẫn có sự thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế để giảm thuế nộp, tăng thuế hoàn lại, điều này khiến cho cạnh tranh tiêu cực, gây so bì.
"Ví dụ như Grab vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nhưng báo lỗ nhiều, báo lỗ cũng có thể là trốn thuế", đại biểu nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề mới tập trung thanh kiểm tra doanh nghiệp mà bỏ qua các hộ kinh doanh và các hộ không đăng ký kinh doanh nhưng lại thực hiện hành vi kinh doanh như cho thuê tài sản, thuê nhà... Ông đề xuất, Bộ Tài chính tổng thanh tra kiểm tra toàn bộ các hộ này. "Bộ trưởng cho biết có thực hiện được hay không?", ông hỏi.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cho biết, thực tế đã có hiện tượng sử dụng công nghệ cao - user giả để hoàn thuế rút ruột ngân sách. Đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý?
Video: Chủ tịch Quốc hội nói về thực phẩm bẩn
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lại đặt câu hỏi về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế từ tham nhũng, thông đồng,... ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách. Thực trạng này hiện nay còn phổ biến hay không, cách nào giải quyết?
Ông Cường cũng lo lắng về tình hình Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết giải pháp khắc phục.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu tình trạng không ít doanh nghiệp lập ra chỉ để mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ thanh toán thuế, rút tiền của Nhà nước, thiệt hại cho ngân sách không nhỏ. Đến tháng 8 số đề nghị hoàn thuế đã lên 17.000 tỷ đồng? Có biện pháp nào đột phá không?
Trả lời đại biểu Quốc hội về thu thuế từ Uber, Grab, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua các doanh nghiệp này đã tự giác kê khai. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab hơn 3 tỷ đồng.
Với các loại hình kinh doanh trên mạng, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, "đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Google... đã kê khai, nhưng chưa thu được".
Tại một số địa phương đã rà soát được nhiều địa chỉ kinh doanh, buộc yêu cầu đăng ký mã số thuế kinh doanh qua mạng... nhưng lâu dài ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng rà soát.
Theo ông, quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó. "Về lâu dài yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Họ đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo", ông nói.
Về vấn đề hoá đơn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đang triển khai, hoàn thiện rộng hoá đơn điện tử và cho rằng đây là giải pháp đột phá để chống việc gian lận hoàn thuế, thành lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn.
>>> Đọc thêm: Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giá ô tô sau 2018 sẽ còn giảm sâu
Bình luận