Bộ trưởng Tài chính yêu cầu xử nghiêm
Ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 đã ban hành công văn gửi các địa phương trong cả nước chỉ đạo “Về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh gas”.
Theo đó, công văn nêu rõ, thời gian qua thị trường sản xuất kinh doanh mặt hàng gas trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật với các hành vi như: Chiết nạp gas lậu, gas giả, kém chất lượng, chiếm giữ trái phép vỏ bình gas (LPG) của nhau; cắt tai, mài vỏ, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu, chiếm đoạt, hủy hoại vỏ bình, gây thiệt hại kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh, có nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Tình trạng này đã được Hiệp hội gas Việt Nam phản ánh đến Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành liên quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng gas; cũng như những khó khăn, vướng mắc, chậm xử lý của các cơ quan chức năng địa phương.
Vì vậy, để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi an toàn cho người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng gas để có biện pháp quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Chiết nạp gas lậu, gas giả, kém chất lượng, chiếm giữ, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu vỏ bình gas...; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của gas giả, kém chất lượng; phát động toàn dân không bao che, tiếp tay và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Các địa phương phải kịp thời tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 30/3/2018 để tổng hợp báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Trước đó, như VTC News nhiều lần phản ánh, trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas ở khu vực một số tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, TP Hà Nội..., trong đó phát hiện nhiều cơ sở đã chiết nạp gas lậu, gas giả, kém chất lượng, chiếm giữ, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu vỏ bình gas...
Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ tang vật và xử phạt đối với các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh gas này.
Hải Dương Gas tự ý tháo van vỏ bình Hồng Hà Gas
Theo đó, ngày 11/9/2017, Đội quản lý Thị trường số 17 (Chi Cục QLTT Hà Nội) phát hiện một chiếc xe tải chở 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà có dấu hiệu vi phạm. Thời điểm kiểm tra, toàn bộ số vỏ bình gas này không còn nguyên vẹn, có dấu hiệu bị hủy hoại, các bình gas đều đã bị tháo bỏ van bình.
Đội QLTT số 17 đã xác định toàn bộ số vỏ bình trên được vận chuyển từ Công ty Cổ phần Hải Dương Gas (địa chỉ Lô CN5B, Khu CN Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương) đến Công ty Tân Minh (địa chỉ Thủy Lợi II, Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội) để nấu thép phế liệu.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty Hải Dương Gas là ông Lê Văn Đức cũng đã xác nhận, toàn bộ 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà là của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân. Do trong quá trình trao đổi vỏ có điện thoại cho công ty Trần Hồng Quân xuống nhận nhưng THQ không nhận vì lý do van bình đã bị hỏng. Cũng chính từ đó, công ty Hải Dương Gas đã tự ý tháo van của các bình gas này rồi đem bán lại.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 14/9/2017, Đội QLTT số 7 đã phối hợp với Đội 8 PC46 (Công an Hà Nội) kiểm tra đối với Công ty TNHH sản xuất và cung ứng vật tư Hà Nội – Vạn Lộc Gas (Lô CN4, Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) và người đại diện pháp luật là ông Phan Văn Hùng.
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện công ty này đang lưu giữ 9000 vỏ bình gas nhãn hiệu Hồng Hà của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân, 6000 vỏ bình gas nhãn hiệu Sellan, Thăng Long Đất Việt, Venus của công ty TNHH MTV gas Venus không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc lô hàng. Đội QLTT số 7 cũng đã tạm giữ niêm phong số vỏ bình gas nói trên để kiểm tra làm rõ.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Văn Thức – Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân xác nhận, toàn bộ số bình gas nói trên thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân. Ông Thức khẳng định, Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân không xuất bán vỏ bình gas nhãn hiệu Petro Hồng Hà cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
“Việc công ty Hải Dương Gas tự ý tháo van vỏ bình của chúng tôi là hành vi hủy hoại tài sản, vi phạm pháp luật. Mặt khác, công ty này còn bán lại vỏ bình của chúng tôi nhằm mục đích nấu thép phế liệu có dấu hiệu tẩu tán tài sản của đơn vị khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, điều tra khởi tố những kẻ coi thường pháp luật, hủy hoại tài sản của chúng tôi” – ông Thức nói.
Tìm thấy nhiều vỏ bình gas bị 'cắt tai, mài vỏ' trong Công ty Hải Dương Gas
Tiếp đó, ngày 11/10, Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin tới báo chí kết quả xác minh theo đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Hải Dương Gas (địa chỉ thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương).
Theo đó, ngày 20/9/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương kết hợp cùng Công an xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành và ông Lê Văn Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Dương Gas kiểm tra trong khuôn viên của công ty này.
Kết quả xác minh ban đầu của Công an tỉnh Hải Dương, Văn phòng Cơ quan CSĐT kiểm tra và phát hiện 12.155 vỏ bình gas mang các nhãn hiệu không thuộc sở hữu của công ty Công ty Cổ phần Hải Dương Gas như: Petro Hồng Hà, AD Petrol, Venus Petrol, Vinape gas, Petrolimex, Sellan gas, Total gas...
Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã tạm quản lý toàn bộ số bình gas nêu trên. Đồng thời, giao lại cho công ty Hải Dương Gas có trách nhiệm quản lý số vỏ bình gas này tại công ty.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện một số vỏ bình, bình gas có dấu hiệu vi phạm như cắt tai bình gas, mài nhẵn nhãn hiệu gas được dập nổi trên chóp bình, đục lại năm kiểm định…
Cũng trong đợt kiểm tra này, cơ quan CSĐT Công an Hải Dương kiểm tra khuôn viên của công ty cổ phần Kim Thanh (thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương) phát hiện 2.815 vỏ bình gas mang các nhãn hiệu không thuộc sở hữu của công ty Hải Dương Gas.
Qua xác minh, số bình gas này được công ty Hải Dương Gas gửi nhờ tại công ty Kim Thanh.
Quá trình xác minh, cơ quan công an bước đầu xác định công ty Hải Dương Gas đã có hành vi “Chiếm giữ trái phép chai LPG (gas) không thuộc sở hữu” theo quy định tại điểm b, khoản 6, điều 42, Nghị định 67 ngày 25/5/2017 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí).
Chiều 20/11, trả lời PV VTC News, Trung tá Trần Anh Ngọc – Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, hồ sơ vụ việc được chuyển đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, hơn 3 tháng trôi qua, vụ việc đến nay vẫn chưa được các đơn vị xử lý dứt điểm.
Nhà máy nghi ‘cắt tai, mài vỏ’ ở Hòa Bình
Tếp đó, cuối tháng 10/2017, nhóm PV đã theo chân lực lượng chiến sỹ của Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu (C74 – Bộ Công an) và cán bộ Cục Quản lý thị trường kiểm tra đột xuất công ty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang có địa chỉ tại xóm Mát, xã Dân Chủ, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).
Khi lực lượng chức năng tiến vào kiểm tra, nhóm PV đi cùng đã bị một người đàn ông hùng hổ lao ra, yêu cầu bảo vệ đuổi ra ngoài dù nhóm phóng viên tác nghiệp theo đúng quy trình.
Phải rất khó khăn, sau 5 tiếng đồng hồ ở bên ngoài nhóm phóng viên mới được một chiến sỹ công an đưa vào khu vực trong xưởng để tác nghiệp.
Tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy một khu vực nhà xưởng rộng khoảng 20 mét vuông được trang bị đầy đủ máy đốt, máy mài, máy dập... Một số bình gas đang được mài cắt dở để ngổn ngang trên sàn nhà. Nhiều bình gas bên trên tai bình đã được mài nhẵn và đóng tên PK (Phúc Khang), còn dưới thân bình lại gắn nhãn của hãng An Bình Gas.
Sau quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình) đã phát hiện hàng trăm vỏ bình gas mà Công ty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang đang sử dụng là vỏ bình gas mang nhãn hiệu của đơn vị khác, không phải vỏ bình của đơn vị này.
Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện: 54 chai LPG nhãn hiệu Total, 10 chai LPG nhãn nhiệu Petrolimex, 34 chai LPG nhãn hiệu Total, 1 chai LPG nhãn hiệu Thân Phúc Khang, 6 chai LPG mang nhãn hiệu Đại Hải, 1 chai LPG mang nhãn hiệu Shellan Gas, 1 chai LPG nhãn hiệu Shell Gas và 2 chai LPG nhãn hiệu Siam Gas. Tất cả số vỏ bình này đều đã được nạp khí.
Đồng thời, lực lượng chức năng khi kiểm tra 4 xe ô tô chuyên chở vỏ bình gas của công ty này cũng phát hiện trên thùng xe có nhiều vỏ bình gas cũng mang nhãn hiệu của doanh nghiệp khác.
Cụ thể, lực lượng chức năng kiểm tra xe mang BKS 28C-03156 phát hiện có 47 chai LPG mang nhãn hiệu Phúc Khang, 13 chai còn lại mang nhãn hiệu Vinashin Ptro; trên xe BKS 28C-03224 phát hiện 96 chai mang nhãn Phúc Khang, 8 chai mang nhãn hiệu Total và 5 chai mang nhãn hiệu Vinashin Ptro; trên xe BKS 28C-03675 phát hiện có 36 chai mang nhãn hiệu Total, 63 chai mang nhãn hiệu Phúc Khang và 7 chai mang nhãn hiệu Vinashin Ptro; trên xe mang BKS 28C-03884, lực lượng chức năng phát hiện có 23 chai mang nhãn hiệu Vinashin Ptro và 17 chai mang nhãn hiệu Phúc Khang.
Ngoài ra, khi kiểm tra trạm nạp của đơn vị này, lực lượng chức năng phát hiện có 230 chai LPG mang nhãn hiệu Phúc Khang (228 chai loại 12kg và 2 chai loại 45kg), 34 chai mang nhãn hiệu Total và 2 chai mang nhãn hiệu Vinashin Ptro.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Phúc Khang chỉ xuất trình được 1 giấy chứng nhận về điều kiện nạp LPG vào chai số 03/GCN ĐĐK-SCT do Sở Công thương tỉnh Hòa Bình cấp ngày 10/5/2017 mà không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh về việc được phép sử dụng các vỏ chai LPG của các đơn vị khác.
Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, tịch thu và niêm phong toàn bộ số tang vật nói trên, đồng thời tạm thời giữ giấy phép kinh doanh gas của Công ty TNHH Phúc Khang để chờ xử lý.
Đến ngày 9/11, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang. Theo đó, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG 2 tháng đối với trạm nạp LPG vào chai của Công ty Phúc Khang. Tuy nhiên, sau quyết định đình chỉ này, nhiều hoạt động sang chiết gas của Công ty Phúc Khang vẫn diễn ra bình thường mà không một cơ quan chức năng nào phát hiện được.
Đại diện những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính cho biết họ đã bị thiệt hại nhiều tỷ đồng từ các hành vi gian lận trên của các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hiệp hội Gas Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn bởi hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng trên vẫn tái diễn.
Video: Cơ sở sang chiết gas nằm sát ngay nhà kho quân đội
Bình luận