• Zalo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Điểm môn Lịch sử, tiếng Anh THPT Quốc gia 2019 chưa chấp nhận được

Giáo dụcThứ Tư, 17/07/2019 13:05:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá kết quả môn Lịch sử, tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có tiến bộ so với năm 2018 nhưng vẫn "chưa chấp nhận được".

Sáng 17/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019, thông tin tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm hệ chính quy năm 2019, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, tổ chức kỳ thi thành công.

Bộ trưởng cảm ơn sự vào cuộc của toàn xã hội, trách nhiệm, tâm huyết của các trường đại học, thầy cô tham gia coi thi, chấm thi.

bogiaoduc

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo Hội nghị trực tuyến 17/7.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Lịch sử và tiếng Anh là 2 môn có tỷ lệ điểm dưới trung bình cao nhất trong 9 môn thi THPT Quốc gia 2019. Cụ thể, 399.016 em bị điểm dưới trung bình trên tổng số 569.905 thí sinh cả nước tham dự thi môn Lịch sử, chiếm tỷ lệ 70,01%.

Môn tiếng Anh có 542.775 thí sinh đạt điểm dưới trung bình, chiếm 69% tổng số 789.544 bài thi.

Điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75. Môn tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,2. Đồ thị phổ điểm của hai môn này lệch rõ rệt sang trái mốc điểm 5.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, không phải chỉ năm nay mà kỳ thi những năm trước, môn này có kết quả thấp. Tuy năm 2019 tiến bộ hơn so với năm 2018, nhưng kết quả này vẫn chưa chấp nhận được, cần phân tích, đúc rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.

Trên cơ sở phân tích kỹ phổ điểm của từng môn thi, địa phương, cuối tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở GD&ĐT để bàn kỹ về phổ điểm, đồng thời lý giải nguyên nhân "môn này, môn kia" thấp, mổ xẻ, rút kinh nghiệm.

bo-truong-phung-xuan-nha-1

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, điểm thi môn tiếng Anh, Lịch sử thấp là chưa chấp nhận được. (Ảnh: A.T)

Kỳ thi THPT Quốc gia không chỉ xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT Quốc gia như Lịch sử, tiếng Anh.

Bộ trưởng cho rằng cần cải thiện ngay từ khâu xét tuyển, mặc dù chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng từ chuẩn đầu ra.

Mảng đại học cần có chất lượng minh bạch trong kiểm định chương trình đào tạo, nhà trường. Những trường đại học kém, sau một thời gian không có cải thiện, sẽ phải đóng cửa, tránh trường hợp có góc khuất, điểm tối, tạo nghi ngờ trong xã hội. Thị trường lao động cần phân khúc đa dạng, không phải chất lượng như nhau là tốt.

Theo tư lệnh ngành, tự chủ đại học là trục xuyên suốt, tuyển sinh chỉ là một khâu. Một đại học phát triển triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Nhưng hiện nay các trường mới tập trung vào đào tạo, thời lượng bàn với nhau về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khời nghiệp, gắp kết đào tạo với sử dụng còn ít. 

"Đã đến lúc các trường cần thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không thuần túy đào tạo được bao nhiều cử nhân, thạc sĩ. Phải lấy sự phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm mục tiêu phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn