• Zalo

Bộ trưởng Phát trả lời 'thiếu khí thế'

Thời sựThứ Tư, 12/06/2013 07:46:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII được đánh giá là "hiền" và "thiếu khí thế".

(VTC News) – Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII được đánh giá là "hiền" và "thiếu khí thế".

Trong buổi chất vấn trực tiếp chiều nay 12/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời trước Quốc hội về những vấn đề nóng của ngành như chất lượng nông sản, tình trạng hàng giả tràn lan và những mâu thuẫn trong dự án thủy điện cũng như trách nhiệm của ngành trong việc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, phần trả lời của ông được chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là thiếu khí thế.

Nhiều vấn đề vẫn vòng vo

Mở đầu buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm nêu thực trạng ngành chăn nuôi đang suy giảm do dịch bệnh gia tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao... và đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp có biện pháp giải quyết. Tình trạng lâm tặc phá phá rừng nghiêm trọng khắp cả nước cũng được nữ đại biểu này đề cập.

Ông Cao Đức Phát cho hay, trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ đã giám sát chống dịch gia cầm, lở mồm long móng và cơ bản khống chế. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát để tái cơ cấu ngành chăn nuôi như xác định gia súc phù hợp với các tiểu vùng. Bên cạnh đó, khuyến khích sản xuất thức ăn bằng nguyên liệu trong nước để giảm giá thành...

Bộ trưởng Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát 
Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì nêu ra thực trạng nông dân còn đứng trước khó khăn. "Nông dân đang lỗ kép, doanh thu thì suy giảm nhưng chi phí tiêu dùng vẫn tăng", đại biểu Ngân nói. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp và giúp nông dân thoát nghèo.

Với chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân, ông Phát cho hay, giải pháp quan trọng có tích chất đột phá là tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. "Thủ tướng đã phê duyệt chương trình tái cơ cấu và Bộ đã bàn bạc phân công, triển khai trong toàn ngành. Như vậy mới giải quyết căn cơ", ông Phát nói.

Ông Phát cũng cho biết, hiện khó khăn lớn nhất ngành nông nghiệp gặp phải là thị trường. "Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp mua một triệu tấn lúa, giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vì thế đã nhích lên 100 - 200 đồng", ông Phát nói.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân tỏ ra chưa hài lòng. Ông nói: “Bộ trưởng còn hiền quá”.

Theo ông Ngân, khi các lĩnh vực khác gặp khó khăn như: bất động sản, xây dựng, các bộ liên quan liên tục tổ chức các hội thảo, thảo luận, từ đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ vào cuộc để giúp ngành thoát ra khỏi khủng hoảng. Còn ngành nông nghiệp thì quá “trầm lặng”, các giải pháp đưa ra chưa đủ mạnh mẽ.

Trước những giải trình không có nhiều thông tin mới mẻ và cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đã phải nhắc Bộ trưởng Cao Đức Phát phải trả lời có khí thế hơn.

Dù vậy nhưng phần trả lời của Bộ trưởng Phát vẫn khá vòng vo. Khi đại biểu Hồng Hà truy vấn trách nhiệm trong câu chuyện nông dân đưa phân bón đến Trung tâm kiểm định trung ương 3 kiểm tra và được kết luận là đạt tiêu chuẩn, nhưng khi đưa vào sử dụng thì số phân bón đó lại là hàng không đạt chuẩn, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ giải trình vòng vo về thực trạng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc lại câu hỏi và yêu cầu Bộ trưởng trả lời chính xác trách nhiệm thuộc về ai. Sau một thoáng lúng túng, ông Phát cho biết Trung tâm kiểm định này không thuộc sự quản lý của ngành nông nghiệp mà của Bộ Khoa học Công nghệ. Cả hội trường đã cười ồ lên.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Dư luận đặt vấn đề việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mang lại cho doanh nghiệp 800 tỉ đồng có đúng không? Người nông dân được lợi bao nhiêu từ việc mua tạm trữ và có đảm bảo lợi nhuận 30% như chỉ đạo của Chính phủ hay không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay việc mua tạm trữ như một biện pháp hỗ trợ từ thị trường chứ không phải là biện pháp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vì thế có thể chính sách mua tạm trữ chưa phù hợp với một số địa phương vì mỗi tỉnh có điều kiện gieo trồng, thu hoạch khác nhau.

Ông Phát cho hay số tiền tung ra mua tạm trữ 1 triệu tấn vụ hè thu khoảng 7.000 tỉ đồng, với lãi suất 0% trong thời gian 3 tháng, nên việc doanh nghiệp lãi 800 tỉ đồng là không chính xác.

"Tác động của việc mua tạm trữ khiến giá lúa tăng 100 - 150 đồng/kg. Ngay vụ hè thu, khi Chính phủ công bố mua tạm trữ, giá lúa đã tăng 200 đồng/kg", ông Phát nói.

“Nóng” vấn đề thủy điện

Tiếp đó, đại biểu Trương Văn Vở đặt vấn đề về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ. Ông nói: "Có nghị quyết của trung ương Đảng lần 6, khóa 11 về rừng phòng hộ. Thời gian qua cử tri Đồng Nai bức xúc về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nguyên sinh để triển khai dự án thủy điện 6,6A, trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào. Bộ trưởng có kiên quyết loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện này hay không?".

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định ông đã vào tận nơi để kiểm tra hiện trường công trình.

"Quan điểm của chúng tôi là nên hạn chế lấy rừng ở những nơi xung yếu để làm mục đích khác. Thế nhưng về thẩm quyền, chúng tôi chỉ kiểm tra, báo cáo thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ có báo cáo tổng hợp. Chính phủ sẽ báo cáo quốc hội. Về mặt chủ trương có làm thủy điện hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội".


Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ sung: "Nếu dự án thủy điện 6 và 6A tác động xấu đến rừng quốc gia Nam Cát Tiên, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ không xem xét. Đó là điều chắc chắn".

Trao đổi lại vấn đề này, ông Trương Văn Vở hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng. Ông nói: "Nội dung trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát thể hiện trách nhiệm của Bộ trưởng đối với cử tri.
Tôi kỳ vọng Bộ trưởng sẽ tiếp tục kết hợp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến giải quyết đến nơi đến chốn những vấn đề liên quan đến dự án thủy điện" - ông Vở nói.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn