(VTC News) – "Có phải cần bằng cấp mà chưa coi trọng năng lực thực sự? Áp lực bằng quà cáp khiến cán bộ chạy điểm, thuê thi, thuê bằng? Bộ trưởng có tính đổi mới theo hướng tuyển dụng đề bạt trên cơ sở cạnh tranh?”.
Đây là chất vấn dồn dập của Đại biểu Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng) đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Ủy ban TVQH chiều 26/3.
Đại biểu Lê Như Tiến nhắc đến việc các cơ quan chức năng phát hiện trên 200 cán bộ thuê người học hộ, thi hộ dẫn đến bằng thật chất lượng giả, theo đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có đại biểu nhận định chỉ 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ phải cầm tay chỉ việc, hơn 30% cán bộ chỉ việc nhưng không biết việc mà làm.
“Có phải vì chuyện cần bằng cấp mà chưa coi trọng năng lực thực sự? Áp lực bằng cấp khiến cán bộ chạy điểm, thuê thi, thuê bằng? Bộ trưởng có tính đổi mới theo hướng trình bày phương án tuyển dụng đề bạt trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh không?” – Đại biểu Tiến chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (Ảnh: chinhphu.vn)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận, thực tế vấn đề tuyển dụng các năm qua có diễn biến như Đại biểu Tiến nêu nhưng đó là tuyển dụng trước đây theo Pháp lệnh cán bộ, công chức (CBCC) năm 1998, từ năm 2003 sửa đổi bổ sung theo hướng tiến bộ và đến nay thì thực hiện Luật CBCC và Luật Viên chức thì tuyển dụng cán bộ không phải chỉ có một đề thi mà có môn kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học – trong đó chuyên môn nghiệp vụ là môn chính hệ số 3 để tính toán đảm bảo tuyển dụng đầu vào đoạt chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ.
Cũng theo Bộ trưởng Bình, trong quá trình tuyển dụng có sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT nên sẽ hạn chế việc “học giả bằng thật”. Ông Bình cũng nhấn mạnh, nội dung này khi thực hiện Luật CBCC và Luật Viên chức cũng đã được đổi mới theo hướng tích cực.
Liên quan đến tuyển dụng CBCCVC, Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cho rằng, tuyển dụng CBCC mỗi địa phương khác nhau, nhất là dân lập, công lập, chính quy, không chính quy… “Bộ trưởng sẽ làm gì để thống nhất bình đẳng trong tuyển dụng gắn với chất lượng?”
Về chất vấn này, Bộ trưởng Bình nhấn mạnh, hiện có trường hợp học theo chính quy, tại chức, học từ xa… theo đó, vừa qua một số địa phương đưa ra quy định về tuyển dụng có phân biệt loại hình đào tạo nhưng theo Bộ trưởng Bình thì sau khi có thông tin Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT xử lý thì không phân biệt loại hình đào tạo, chỉ khi Bộ GD&ĐT có phân biệt loại hình đào tạo thì mới đảm bảo có căn cứ để báo cáo.
“Như đã nói trước, ngành nào cũng ra đề thi chung, nhưng giờ tuyển theo cách tính chuyên ngành của từng ngạch cần tuyển dụng thì có từng nội dung thi phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng. Nếu chúng ta công khai, dân chủ, minh bạch, trật tự, kỷ cương trong tuyển dụng thì có thể nộp đơn thi, nơi nào trúng tuyển thì nhận vào làm việc. Chúng tôi bàn không phân biệt trong loại hình đào tạo khi tuyển dụng” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định.
Một nội dung khác được Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn chất vấn, trong cải cách hành chính chúng ta có giảm thủ tục phiền hà nhưng “bộ máy hành chính không giảm mà phình ra, quy định mỗi Bộ 4 Thứ trưởng nhưng có Bộ có tới 9 Thứ trưởng, Bộ trưởng Y tế sáng nay còn nói sẽ mở thêm 2 Vụ – vậy làm thế nào để tinh giản bộ máy?”
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết “đây là áp lực lớn đối với Bộ Nội vụ”, bởi theo quy định mỗi Bộ có 4 Thứ trưởng nhưng trường hợp đặc biệt mà tăng thêm thì do các cấp có thẩm quyền quyết định – “theo đó, có cơ chế mở chứ không phải đóng khung, nhưng chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ trong việc mở thì mở đến mức nào” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.
Kiều Minh
Bình luận