Báo cáo thực trạng quy hoạch ngành nông nghiệp trước Quốc hội chiều 30/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Không có quy hoạch sản phẩm thì không thể điều chỉnh cung cầu, tình trạng được mùa - mất giá, được giá - mất mùa sẽ không có lời giải".
Ông Hoan cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội rất háo hức khi bấm nút biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch kỳ trước. Ngỡ rằng câu chuyện quy hoạch sẽ được khắc phục nhưng chúng ta kỳ vọng nhiều quá nên khi bị vướng lại gây thất vọng.
Ông Hoan lý giải, chúng ta đang sống trong thời đại được quy định bởi 4 chữ viết tắt VUCA: Bất động, biến động, phức tạp và mơ hồ. Sự thay đổi trên thế giới nhanh tới mức cái mới ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới hơn xuất hiện. Trong khi nền nông nghiệp của chúng ta đang tiếp cận thị trường hàng trăm năm nay với những câu hỏi “sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào” vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Chỉ khi có câu trả lời rõ ràng thì việc tìm hướng điều chỉnh quy hoạch mới hiệu quả.
Để trả lời được câu hỏi này, ông Hoan cho rằng chúng ta cần minh định lại thuật ngữ quy hoạch tích hợp, đồng thời phải xem xét 3 phương án là: lấy quy hoạch trên để điều chỉnh dưới, quy hoạch từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên. Muốn làm được điều này, ông Hoan cho rằng cần phải có đánh giá, thảo luận để đi đến phương án tối ưu nhất.
“Nếu không làm tốt, không làm bài bản thì không khéo quy hoạch tích hợp sẽ trở thành phép cộng công thức chứ không phải là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chiến lược nữa”, ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Hoan nêu dẫn chứng, cách đây 5 năm hầu như chúng ta không nói gì về kinh tế xanh hay biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề này đã chi phối toàn bộ nền kinh tế của nước ta từ nông nghiệp đến công nghiệp, các vấn đề khác trong vài năm trở lại đây. Do vậy, nước ta đã đi chậm hơn trong quy hoạch về nông nghiệp.
“Đã chậm thì chúng ta cần phải hội thảo, đánh giá cho sâu hơn, đừng để chúng ta đi từ trạng thái này sang trạng thái khác mà không tốt hơn thì không nên làm”, ông Hoan nói.
Vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hoan cho rằng, với các sản phẩm sẽ phải có quy hoạch để không ùn ứ, không rơi vào tình trạng được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, nhất là khi bị ảnh hưởng như COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc ban hành chính sách Zero COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp.
"Do đó, chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để định hình được chiến lược đầu tư, tạo ra hệ sinh thái của một ngành hàng. Phải chuyển sang tư duy thị trường, tư duy kinh tế, nghĩa là phải làm ra cái thị trường cần, sản xuất vừa đủ chứ không phải làm cái chúng ta có, sản xuất ồ ạt. Người nông dân ở nước ngoài người ta cũng biết phải trồng cái gì, trồng bao nhiêu chứ không phải là quy hoạch cứng như chúng ta trước đây".
“Bây giờ nhà nước không thể hỗ trợ bao tiêu hết sản phẩm nông nghiệp sản xuất một cách ồ ạt. Do đó, những sản phẩm vượt quá quy hoạch chúng ta có thể xem đó là sản phẩm bất hợp pháp. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được sản xuất vượt quá quy hoạch, cung vượt quá cầu dẫn đến hệ lụy giải cứu nông sản, chặt trồng, trồng chặt khi giá xuống thấp, khó tiêu thụ”, ông Hoan nói.
Bình luận