• Zalo

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dùng từ 'chính xác' trong dự báo thiên tai dễ mất lòng tin người dân

Thời sựThứ Hai, 09/09/2019 12:18:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định việc dùng từ “chính xác” trong dự báo thiên tai trước đây là không chính xác và phải thay thế bằng cụm từ "đủ độ tin cậy".

Sáng 9/9, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2013. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006.

Hai Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều; cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo an sinh, xã hội.

bo truong nong nghiep va ptnt nguyen xuan cuong (

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành 2 Luật, điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu rõ nét hơn nên một số quy định tại 2 Luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.

Để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn trong thực tiễn thi hành 2 Luật này và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số luật liên quan, thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.

Thảo luận tại Phiên họp, một trong những điểm đáng chú ý được đưa ra là tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 quy định “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác” thì nay được đề xuất sửa thành “thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy” trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban dân Nguyện của Quốc hội cho rằng cụm từ “đủ độ tin cậy” thể hiện cấp độ thấp hơn “chính xác” và băn khoăn tại sao lại sửa đổi như vậy khi khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong công tác dự báo.

Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cần xem xét, nghiên cứu thêm về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo sự chính xác; cơ chế chịu trách nhiệm nếu như thông tin dự báo sai.

quoc hoi 37

 Toàn cảnh Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Lý giải việc này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc thay thế cụm từ trên “không phải là bước lùi” và “trước đây dùng từ “chính xác” là không chính xác. Nước ngoài cũng chỉ nói “đủ độ tin cậy”.

Dùng từ “chính xác” dễ mất lòng tin với người dân vì người ta bảo dự báo thế sao lại không hoà toàn như thế. Cụm từ “đủ độ tin cậy” là ý kiến của Bộ TN-MT và chúng tôi thấy hợp lý nên đưa vào dự thảo, không phải giảm tông để giảm trách nhiệm” – ông Nguyễn Xuân Cường nói và nhấn mạnh do biến đổi khí hậu nên vừa qua nhiều hiện tượng thời tiết rất khó dự báo chính xác.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các luật hiện hành có liên quan để tránh sự chồng chéo hoặc không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, thẩm tra chính thức; đảm bảo đủ các điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn