• Zalo

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chưa rõ người kế nhiệm, không tự chấm điểm cho mình

Sức khỏeThứ Hai, 21/10/2019 10:32:00 +07:00Google News

Bên hành lang Quốc hội sáng 21/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ những trăn trở trước khi rời cương vị Bộ trưởng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến vào ngày 25/11. Bà Tiến sẽ tập trung đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

- Sau 8 năm trên cương vị Bộ trưởng Y tế, điều gì bà tâm đắc nhất trong suốt quá trình công tác?

Điều tâm đắc nhất là tăng sự hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ y tế lên trên 80%. Bên cạnh đó, việc bao phủ BHYT, sửa đổi luật, mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo.

Cả ngành hài lòng và toàn dân hài lòng hơn, đó là kết quả lớn nhất.

- Bà rời cương vị khi chưa biết người kế nhiệm. Vậy sắp tới, hoạt động của Bộ Y tế sẽ thế nào?

Vấn đề nhân sự, tôi nghĩ Bí thư Ban cán sự Đảng mới, Chính phủ, Ban bí thư, Bộ chính trị sẽ giải quyết. Tôi không có phát biểu gì. Tôi cũng chưa biết người kế nhiệm nên chưa thể nói gì.

kim-tien-1

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: Duy Thành)

- Điều gì chưa thể làm được trong suốt nhiệm kỳ khiến bà trăn trở nhất khi rời cương vị Bộ trưởng?

Điều tôi đang trăn trở nhất và cũng được thực hiện là làm tốt hơn nữa việc chăm sóc cho người dân khỏe mạnh. Tại sao tôi lại nói vậy, bởi điều trị bệnh chỉ là điều sau cùng. Số người mắc bệnh hiện nay chỉ chiếm 5 - 10% dân số. Nên quan trọng nhất vẫn là phải chăm sóc sức khỏe, dự phòng phát hiện bệnh sớm, nhất là các bệnh không lây nhiễm, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp và ung thư.

Để làm được những điều đó, yêu cầu ngành y tế phải tập trung vào tuyến y tế cơ sở, tiến tới mục tiêu bao phủ y tế toàn dân. Đó không chỉ là mơ ước của y tế Việt Nam mà còn là của Liên hợp quốc và y tế thế giới.

Ở nước ta, thực tế đã làm rất tốt. Nhiều người hiện nay vẫn mong ngóng là người nghèo có tiền chữa bệnh, nhưng thực tế có rồi, bảo hiểm y tế sẽ chi trả hết.

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua ngành y tế cũng có nhiều chuyện khiến cho dư luận chưa yên tâm, bất an, vậy sự việc nào khiến bà trĩu nặng tâm tư?

kimtien-2

kimtien-2

Khi được giao nhiệm vụ, mỗi người phải có sản phẩm, dù bé nhỏ nhưng có ích cho xã hội, cho người dân, chứ không phải thấy khó rồi buông xuôi.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Nếu nói về lo cho dân, cho sức khỏe của dân thì rất nhiều điều tôi còn trăn trở. Nhưng có lẽ điều tôi suy nghĩ nhất hiện nay là có nhiều công trình của ngành đang xây dựng nhưng chưa xong sớm để phục vụ người dân tốt hơn. Ngoài ra, một số vấn đề về dược, vấn đề này đang được giải quyết và cũng đang bị thị phi.

Nhưng người dân cũng nên hiểu, hiện đang có rất nhiều thông tin không trung thực, không chính xác qua mạng xã hội ngoài lề.

Cá nhân tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ giải quyết công minh, chính xác, đúng người, đúng tội, không bỏ sót, không oan sai để xây dựng nền y tế phục vụ dân tốt hơn.

- Nếu có thang điểm 10 để chấm cho việc những gì làm được trong y tế, bà tự nhận mình được bao nhiêu điểm?

Tôi không dám tự chấm cho mình, có ai tự chấm cho mình đâu. Tôi chỉ biết, toàn ngành, từ cơ quan y tế, Chính phủ, Quốc hội đưa ra những nghị quyết rất đúng, giải quyết nhiều áp lực.

Y tế là ngành chịu rất nhiều áp lực, yêu cầu mọi việc phải thay đổi nhanh, nhiều. Nhưng khi có kết quả, ai cũng vui mừng, hạnh phúc.

Khi về cơ sở, giám đốc sở y tế, giám đốc bệnh viện tỉnh, huyện dẫn tôi đi khắp các bệnh viện để khoe đã làm được những gì. Chỗ nào công đoàn làm, chỗ nào thanh niên làm, chỗ này hướng dẫn người dân ra sao, chỗ kia lấy phiếu điện tử thế nào, nhà vệ sinh sạch sẽ… Họ nói, trên chỉ đạo sao, bên dưới họ làm vậy, đạt được thành tích, người dân lại hài lòng, ai cũng vui.

Nhất là chuyện dân tới khám được hướng dẫn cụ thể, trợ giúp nhanh chóng, tiện lợi. Đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất của ngành y tế, từ bệnh viện huyện, tỉnh, sở y tế, trạm y tế.

Nhiều lúc không tin lắm, tôi tự mình trực tiếp đi hỏi người dân kết quả vẫn rất khả quan. Tôi nhớ có lần tôi hỏi một người cao tuổi là: Bác chờ có lâu không? Thái độ của nhân viên y tế có tử tế không? Họ có đòi cái này cái kia mới được khám không? Bác có phải trả thêm nhiều tiền không? Giờ thấy bệnh viện thế nào? Và tất cả câu trả lời tôi nhận được đều rất tích cực.

Thậm chí có người ôm tôi mà hỏi: “Sao bộ trưởng bây giờ khác trên ti vi thế”.

- Trong suốt thời gian công tác, bà có thấy thiệt thòi, áp lực không khi là nữ bộ trưởng duy nhất lại là tư lệnh của ngành gắn bó rất nhiều với cuộc sống người dân nên có rất nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội?

Áp lực, tôi nghĩ là bộ trưởng ngành nào cũng vấp phải điều đó. Muốn có động lực để làm việc, phải đặt mình vào hoàn cảnh thì mới thấu nỗi khổ của những điều chưa đạt được. Bởi vậy, để có được thành công đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực toàn diện. Đây là áp lực rất lớn. Nhưng đó là quy luật của cuộc sống, đã là nhiệm vụ thì không thể buông bỏ, phải không ngừng cố gắng.

Còn là nữ bộ trưởng duy nhất cũng chỉ là câu chuyện của cuộc sống, của công tác nhân sự thôi không có gì để tôi phải cảm thấy khác hay không. Tôi luôn nghĩ, trước khi chuyển công tác phải để lại điều gì đó tốt đẹp cho người dân.

- Như bà vừa nói, trước khi thôi cương vị bộ trưởng, phải để lại điều tốt đẹp cho người dân, vậy bà có nghĩ trong nhiệm kỳ của mình phải để lại “danh” gì đó không?

Không phải “danh” như nhiều người nghĩ, mà đây là nhiệm vụ đặt ra, yêu cầu phải nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt. Nghĩa là, khi được giao nhiệm vụ bản thân mỗi người phải có sản phẩm, dù bé nhỏ nhưng có ích cho xã hội, cho người dân, chứ không phải thấy khó rồi buông xuôi. Đặc biệt là đối với ngành y, yêu cầu phải chiến đấu, chấp nhận, đôi khi là phải hy sinh. Nhưng đó là cuộc đời.

Duy Thành - Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn