Sáng 25/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí quốc tế thuộc Cung Văn hóa Hữu nghị Việt -Xô để thông báo về quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.
Hội nghị dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 tại Hà Nội để thảo luận về những bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.
Phát biểu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh tại họp báo, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho hay hội nghị thu hút sự quan tâm hàng đầu của khu vực và thế giới vì liên quan tới vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã có nhiều tiến triển kể từ hội nghị lần đầu tại Singapore tháng 6/2018.
Ông cho biết Việt Nam được thông báo là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai từ hôm 6/2 và bắt đầu công tác chuẩn bị từ 14-15/2, tức chỉ có 10 ngày để triển khai. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Hà Nội xác định dù đây là sự kiện đột xuất nhưng quan trọng hàng đầu trong năm 2019.
"Được Mỹ và Triều Tiên đề nghị làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai, Việt Nam rất vui mừng và vinh dự", ông Trung nói. "Việt Nam sẽ đảm bảo về an ninh, lễ tân và tạo không khí thuận lợi nhất để hội nghị lần hai đạt kết quả tốt".
Ông Trung cho hay lãnh đạo, nhân dân Việt Nam muốn thể hiện Việt Nam là đất nước có chính sách đối ngoại vì hoà bình, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp trực tiếp vào việc giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng mong muốn giới thiệu các thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện, giới thiệu về Hà Nội văn hiến cũng như kỷ niệm 20 năm danh hiệu Thành phố vì hoà bình do UNESCO trao tặng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có gần 3.000 phóng viên quốc tế tới từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tới Việt Nam đưa tin về Hội nghị. Phóng viên trong nước có gần 550 người đăng ký đưa tin, Phóng viên báo chí đăng ký đưa tin nhiều hơn cả Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói Việt Nam chỉ có chưa đến 10 ngày để chuẩn bị cho sự kiện này. Thời gian chuẩn bị chỉ bằng 1/10 so với Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Các cá nhân và bộ phận được phân công đã làm việc 24/24, không ngủ để chuẩn bị cho Trung tâm báo chí đi vào hoạt động đúng thời gian. Trung tâm báo chí được đảm bảo hoạt động cho 4000 phóng viên, Bộ trưởng nói.
Chuyện đảm bảo tốc độ, điều kiện tác nghiệp cho nhiều người như vậy là một thách thức. 4.000 người cùng dùng wifi thì có thể dùng ở tốc độ 5mb/s, tốc độ đi ra quốc tế là 3mb/s. Ngoài ra có gần 1.500 địa điểm truy cập internet cố định được phục vụ cho phóng viên đưa tin sự kiện.
Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông báo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị tem bưu chính để gửi tặng phóng viên quốc tế tới Việt Nam tác nghiệp, đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
"Các bạn đến đây, Việt Nam chào đón các bạn, Hà Nội chào đón các bạn. Là cơ hội để truyền đi thông điệp mạnh mẽ về con người và đất nước Việt Nam. Chúc các bạn tác nghiệp thành công trong một sự kiện rất quan trọng với quốc tế".
Tham dự cuộc họp báo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu, Hà Nội thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, mà trực tiếp là Thủ tướng để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện này.
Ông Chung cho biết, Công an Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô là hai lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho hai đoàn, mọi hoạt động bên lề cũng như chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Hà Nội đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu an ninh do đoàn tiền trạm của hai bên đặt ra.Hà Nội sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nguyên thủ hai nước, các đoàn hai nước, báo chí, các chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam.
Chính quyền và người dân Hà Nội vui và tự hào, vinh dự được hai nước chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Phần Hỏi-Đáp
PV: Xin hãy cho biết tổng chi phí cho công tác chuẩn bị hội nghị lần này? Địa điểm chính thức của Hội nghị? Khi nào Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam và đến bằng đường nào? Khách sạn chính thức của hai nhà lãnh đạo?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Hiện chưa có con số cụ thể về chi phí tổ chức hội nghị. Theo tôi, lớn nhất là tâm sức, tâm lực Việt Nam dành cho công tác chuẩn bị hội nghị này. Chúng tôi chưa có con số cụ thể vì Hội nghị còn chưa bắt đầu. Tiền là vấn đề quan trọng, nhưng đảm bảo an ninh, an toàn, công tác lễ tân mới là ưu tiên hàng đầu. Hiện chúng tôi chưa có thời gian để tính toán ra con số chính xác cuối cùng.
Theo yêu cầu của Mỹ và Triều Tiên nên chúng tôi chưa được phép chia sẻ thông tin về lộ trình, địa điểm tổ chức lẫn khách sạn của các nhà lãnh đạo. Là chủ nhà, chúng tôi phải đảm bảo yêu cầu rất chính đáng đó. Hai nhà lãnh đạo có thể ở bất cứ đâu trong số các khách sạn được chọn.
Về di chuyển, Hãng thông tấn Triều Tiên đưa tin, Chủ tịch Kim Jong-un di chuyển bằng tàu hỏa, nhưng lịch trình hoàn toàn có thể thay đổi. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho mọi phương án. Để hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà, chúng tôi xin phép không tiết lộ. Chỉ chắc chắn rằng Đoàn đại biểu Triều Tiên sẽ đến kịp hội nghị vào ngày 27/2.
PV: Xin các vị cho biết Hà Nội triển khai bao nhiêu nhân sự cho Hội nghị lần này và đã triển khai xe bọc thép hay chưa?
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Ở Hà Nội đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, có sự kiện 40-50 nguyên thủ quốc tế. Hội nghị lần này, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Hà Nội đảm bảo triển khai đủ lực lượng. Tất cả người dân Hà Nội đều tham gia đảm bảo an toàn cho sự kiện này. Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến nhiều tình huống xảy ra, và có đủ lực lượng, phương tiện để xử lý các tình huống này.
PV: Xin hãy cho biết, ngày cụ thể chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un? Những cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump có phải là gặp chính thức không, nếu có thì là ngày nào?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là chuyến thăm chính thức, song hai bên thoả thuận chưa nêu thời gian cụ thể. Chuyến đi tới Việt Nam tham dự hội nghị lần này của Tổng thống Donald Trump không phải là chuyến thăm chính thức nhưng có nhiều cuộc gặp rất quan trọng với các lãnh đạo Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết lý do Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 và lợi ích của việc này?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Thứ nhất, Việt Nam chứng minh được là nơi an ninh, an toàn, thể hiện qua nhiều hội nghị quốc tế. Việt Nam cũng có mối quan hệ hữu nghị với cả hai quốc gia.
Việt Nam là nước có quá trình chuyển đổi thành công từ thời kỳ chiến tranh sang tạo dựng hoà bình. Việt Nam đạt được thúc đẩy quan hệ với Mỹ, nước trước đây từng có chiến tranh với Việt Nam. Còn Việt Nam và Triều Tiên có mối quan hệ truyền thống lâu đời tốt đẹp.
Qua những gì đã thể hiện và đạt được, Việt Nam có đóng góp thiết thực vào hoà bình khu vực và thế giới. Chúng tôi thể hiện đường lối hoà bình và cho thế giới hiểu rõ hơn về các thành tựu kinh tế. Thế giới cũng hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam. Việt Nam mong muốn trở thành một đất nước hiện đại, có trách nhiệm và được tin tưởng.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông có kỳ vọng gì vào kết quả đàm phán Mỹ-Triều? Việt Nam có tham vấn kinh nghiệm của Singapore và có gì áp dụng được không?
Ông Lê Hoài Trung: Thứ nhất, Việt Nam mong muốn hội nghị đạt được kết quả tích cực nhất. Có nhiều nội dung liên quan ở đây, song quyết định phụ thuộc vào hai quốc gia tham gia hội nghị.
Việt Nam hi vọng các bên tiếp tục duy trì, thúc đẩy được đối thoại, đáp ứng được lợi ích 2 quốc gia, vì ổn định, hoà bình khu vực và quốc tế.
Về kinh nghiệm tổ chức, chúng tôi học hỏi ở Singapore những vấn đề cụ thể ví dụ như phiên dịch làm sao để hỗ trợ được cho đôi bên, rồi tổ chức đi lại sao cho đáp ứng với thời gian tổ chức ngắn hay dài...
Bình luận