(VTC News) - Chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son đã đăng đàn trả lời các vấn đề nóng được ĐBQH quan tâm như cước 3G, an ninh mạng, quản lý báo chí...
An ninh mạng là thách thức lớn
Mở đầu phần trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến câu hỏi về nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin ở Việt Nam, Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Vừa qua, nhiều cuộc tấn công trên mạng nhưng chúng ta đã giải cứu thành công. Một số tờ báo cũng bị tấn công nhưng đã được hỗ trợ khắc phục. Việc các lực lượng bên ngoài tấn công, ảnh hưởng an ninh mạng của ta rất nhiều và chúng ta đã có cảnh báo.
Dù chúng ta sử dụng mạng internet, máy tính nhiều nhưng không biết sử dụng nên rất dễ bị ăn cắp thông tin, biến máy ta thành máy của họ. Rồi việc tải các dịch vụ trên mạng bị kèm theo mã độc nên nhiều máy tính có nguy cơ nhiễm, phá hủy máy của chúng ta.
Mã độc có thể phá hủy một lò phản ứng hạt nhân của một nước. Chúng rất nguy hại, ảnh hưởng đến an ninh thế giới và chúng ta.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 20/11 |
Bộ Thông tin đã quy định điều phối ứng cứu khẩn cấp, liên thông hợp tác với các tổ chức quốc tế thường xuyên ứng cứu khẩn cấp cho chúng ta, mới đây nhất là ứng cứu thành công 3 tờ báo mạng trong nước.
Hiện chúng ta đã có khoa an ninh thông tin mạng ở Học viện Bưu chính Viễn Thông. Ngoài ra còn có 5 đề án an toàn an ninh thông tin, trên cơ sở đó vận hành tốt hơn công nghệ thông tin phục vụ cho đất nước chúng ta.
Theo quy định, trong các cơ quan phải tổ chức các bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin mạng. Dù hiện giờ đã có nhưng chỉ mới ở mức kiêm nhiệm. Các cơ quan cần báo cáo các cơ quan chức năng khi có sự cố khẩn cấp để khắc phục kịp thời.
Chúng ta cũng không tải những phần mềm có nguy cơ chứa mã độc. Đối với trò chơi điện tử miễn phí cũng nên sử dụng các sản phẩm cấp phép không nên sử dụng các trò chơi miễn phí trên mạng để đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên mạng...
Liên quan đến Nghị định 72, thời gian qua có những hạn chế trong kiểm chứng thông tin. Nhiều tin chưa đầy đủ đã đưa lên mạng mà chưa xác minh, kiểm chứng. Nhiều phần tử xấu lấy thông tin sai lệch. Nhiều trang mạng đưa hình ảnh sai trái, sai lệch gây mất đoàn kết, phá hoại nội bộ, nói xấu đến Đảng, Nhà nước chúng ta…
Để quản lý việc này, Bộ đã tham mưu và Chính phủ đã ban hành Nghị định 97 vào năm 2008 trong việc quản lý internet.
au một thời gian internet đã phát triển mạnh, việc ra đời Nghị định 72 để khắc phục những bất cập hiện nay. Nghị định còn có một chương riêng về an toàn thông tin.
Những trang thông tin điện tử tổng hợp trước đây đã cấp phép, còn các trang mạng xã hội bây giờ cũng phải đăng ký. Tuy nhiên những người dùng blog đăng ký bên ngoài hiện nay đang là một thách thức.
Trong chuyên trang mạng còn có một phần báo điện tử. Chúng ta chưa có chế tài với hoạt động của báo điện tử nên cần phải sửa đổi bổ sung luật báo chí.
Để thực hiện tốt việc này, chúng ta cũng phải thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí. Chính phủ đã ban hành về quy chế người phát ngôn, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải có kế hoạch phản bác những thông tin sai trái trên mạng, bảo vệ an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra các trang mạng. Nếu các trang mạng được cấp phép vi phạm sẽ thu hồi giấy phép.
Những trang thông tin cá nhân đưa tin chưa chính xác thậm chí sai trái hoàn toàn, khi phát hiện thông tin sai, địa phương phải phát hiện kịp thời, thông tin lại cho các cơ quan chức năng.
Giải pháp nữa là chúng ta phải giáo dục tuyên truyền để cộng đồng nêu cao ý thức, không vào những trang mạng có thông tin sai trái.
Tăng giá cước 3G đảm bảo cạnh tranh lành mạnh
Liên quan đến việc tăng giá cước 3G được rất nhiều ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, việc điều chỉnh giá cước được dư luận xã hội rất quan tâm. Giá cước của ta từ khi phát triển 3G đến nay không tăng.
Thời gian qua tăng giá cước là chủ trương chung của Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các nghị định ban hành, trong đó có luật giá, luật cạnh tranh…
Dịch vụ 3G khi ra đời có các giai đoạn tăng trưởng, bão hòa, suy thoái… nên phải giảm giá, rồi tăng giá dần lên. Nhưng từ năm 2010 đến nay chưa tăng giá lần nào. Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 32, trong đó có nội dung từng bước nâng giá viễn thông để thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Thời gian qua, giá của ta thấp hơn giá thế giới nhiều lần. So với thế giới, giá cước 3G của ta thấp hơn 34% và chỉ bằng 50% giá thành của chúng ta. Tháng 9 có 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có gần 19 triệu thuê bao là 3G. Trong các gói cước có gói tăng, gói giảm, tổng cộng tăng trung bình 20%.
Tăng giá cước 3G là việc bình thường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác các nhà mạng đều thuộc Nhà nước, nên sẽ góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước. Các thiết bị đều nhập từ nước ngoài, nhà mạng không thể thanh toán giá cao bán với giá thấp được. Chúng ta phải hết sức chia sẻ điều này.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định: Việc tăng giá cước 3G không chỉ thu lại lợi nhuận mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông Việt Nam, phục vụ cho Quyết định số 32, hay luật cạnh tranh để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Chất lượng mạng chưa cao, việc đầu tư 2 tỷ đô la nhưng giá thấp, trong khi người dùng ngày càng tăng lên. Vì thế tăng giá cước cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng 3G.
Báo chí xứng đáng với tấm Huân chương Sao Vàng
Liên quan đến câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) về việc có hay không quá tải với các đài truyền thanh, truyền hình, Bộ trưởng cho biết: Báo chí đóng góp rất tốt trong tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước và phục vụ cho nhân dân. Báo chí xứng đáng với tấm Huân chương Sao Vàng vào năm 2010.
Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận một số mặt còn hạn chế, yếu kém của báo chí.
Cụ thể, nhiều báo chí của ngành, địa phương này lại đưa quá nhiều tin tiêu cực của ngành, địa phương khác. Nhiều tờ báo còn đưa tin sai, không được kiểm chứng gây bức xúc, hoang mang cho xã hội. Báo chí không chỉ là người cung cấp thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin, để tăng cường đoàn kết, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu KT-XH trong hoàn cảnh khó khăn này.
"Chúng tôi thường xuyên chấn chỉnh trong các cuộc giao ban định kỳ", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết thêm: Sắp tới sẽ sửa luật báo chí, khắc phục những bất cập hiện nay. Ngoài ra các địa phương, bộ ngành cũng cần cung cấp thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất để báo chí có điều kiện tiếp cận với thông tin chính thống. Nhà báo cũng phải tiếp cận thông tin, phê phán mặt trái của xã hội.
Những vụ án phức tạp không đưa tỉ mỉ, nhiều kỳ làm hoang mang dư luận, gây bức xúc trong nhân dân. Điều này hoàn toàn trái với tôn chỉ mục đích của báo chí.
"Cơ quan chủ quản cũng phải có trách nhiệm với cơ quan báo chí của mình, phải chịu trách nhiệm trước những hoạt động sai trái từ các cơ quan báo chí của mình", Bộ trưởng khẳng định.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ còn tiếp tục đến đầu giờ sáng mai (21/11). Các vấn đề được lựa chọn chất vấn sẽ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý báo chí, những mặt tốt, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác nữa là những giải pháp để thúc đẩy thị trường viễn thông.
Hà Linh (lược)
Bình luận