"Mong muốn (của chính quyền Trump) là thi hành sắc lệnh thật nhanh để những đối tượng nguy hiểm tiềm tàng định đến hại chúng ta sẽ không thể tranh thủ thời gian để lên máy bay tới Mỹ", Reuters dẫn lời ông Kelly nói với Ủy ban Quốc hội về An ninh Nội địa hôm 7/2.
Tuy nhiên, ông Kelly nói lẽ ra ông nên hoãn thực thi sắc lệnh hạn chế di trú gây tranh cãi để có thời gian báo cáo trước quốc hội.
"Đây hoàn toàn là lỗi của tôi. Đáng ra tôi nên trì hoãn (triển khai lệnh di trú) một chút để có thể nói chuyện với các nghị sĩ", ông nói.
Ông Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cư gây tranh cãi mà hầu như không báo cáo với các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm triển khai lệnh này, khiến cho quá trình thực thi gặp nhiều rắc rối.
Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm tạm thời người nhập cư từ 7 quốc gia với phần lớn dân số theo đạo Hồi trong 90 ngày, dừng chương trình tị nạn của Mỹ trong 120 ngày và ngừng vô thời hạn việc tiếp nhận người tị nạn Syria.
Ngày 3/2, thẩm phán liên bang ở Seattle (bang Washington) ra phán quyết có hiệu lực toàn quốc tạm ngưng sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump. Bộ Tư pháp Mỹ hôm 4/2 đệ đơn kháng cáo, yêu cầu đình chỉ khẩn cấp phán quyết của thẩm phán liên bang ở Seatle với lệnh hạn chế nhập cư.
Tuy nhiên, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Mỹ Khu vực 9 sau đó đã tuyên bố bác bỏ kháng cáo của Bộ Tư pháp, đồng thời yêu cầu các bên cung cấp thêm chứng cứ để tiến hành xét xử vụ kiện.
Cuối ngày 7/2 (sáng 8/2 theo giờ Hà Nội), phiên điều trần đầu tiên về sắc lệnh di trú bắt đầu diễn ra tại tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ ở San Francisco. Đây có thể coi là phiên tòa quan trọng quyết định liệu sắc lệnh sẽ được khôi phục, bị đóng băng hay tiếp tục phải cần đến sự can thiệp của Tòa án tối cao.
Bình luận