Chiều 26/7, trong chương trình làm việc tại Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Sau khi đến thăm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) và thăm Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ ấn tượng và chúc mừng những kết quả đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông, triển khai xây dựng chính quyền điện tử... của Thừa Thiên - Huế.
Bên cạnh đó là kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ, tăng về vốn đầu tư xã hội, dịch vụ, du lịch... Đây là quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền, người dân trong tỉnh.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong xây dựng Trung tâm IOC. Sau hơn 6 tháng vận hành, đến nay IOC đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý; công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý; người dân được tham gia tương tác với hoạt động Nhà nước.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ ấn tượng sau khi thăm Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh, nơi các hồ sơ được số hóa, xác thực hóa và cho rằng đây là quy trình rất tiến bộ của Thừa Thiên - Huế.
Đánh giá cao chỉ số xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Thừa Thiên - Huế đứng đầu cả nước năm 2017 và đứng thứ hai trong năm 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, hiện nay Trung tâm IOC và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế là cách làm sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trung tâm IOC còn giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và cả người dân, doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng về cách làm sáng tạo của Thừa Thiên - Huế trong xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu lấy mẫu hình này để nhân rộng tại các địa phương khác.
Trước đó, ngày 25/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra mắt Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông tin cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Trung tâm này cũng nhận giải thưởng Viễn thông châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tại Thừa Thiên - Huế hoạt động hiệu quả với các giải pháp tiên tiến như: Phản ánh hiện trường; giám sát đô thị qua cảm biến camera; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công; thẻ điện tử; cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát an toàn thông tin...
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và 100% UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã triển khai kết nối mạng MetroNet, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Internet tập trung; 100% UBND cấp huyện có phòng họp trực tuyến…
Về triển khai xây dựng chính quyền điện tử, Thừa Thiên - Huế cung cấp 1.512 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 913 dịch vụ công mức độ 3; cung cấp 599 dịch vụ công mức độ 4.
Tỷ lệ gửi văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số của tỉnh đến các bộ, ngành, địa phương đạt mức trung bình. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.700 chứng thư số.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đạt được nhiều chỉ tiêu tích cực như: 100% hồ sơ khai thuế doanh nghiệp được nộp qua mạng; 98% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 100% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong thực hiện các thủ tục tham gia BHXH; 98% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng; 100% hồ sơ cấp giấy chức nhận đầu tư qua mạng.
Bình luận