• Zalo

Bộ trưởng Luận và chuyến đi vào vùng lũ Bản Khoang

Giáo dụcThứ Bảy, 01/02/2014 07:13:00 +07:00Google News

(VTC News) -Chuyến đi vào vùng lũ Bản Khoang (Lào Cai) chưa phải là lần công tác xa nhất của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhưng để cho ông rất nhiều ấn tượng.

Chuyến đi vào vùng lũ Bản Khoang (Lào Cai) có phải là chuyến đi xa nhất của Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đó không phải là chuyến đi xa nhất của chúng tôi. Có những chuyến đi xa hơn, sâu hơn, nguy hiểm hơn nhiều.

 Vị Tư lệnh ngành Giáo dục lội bùn lầy hướng về nơi trước đây là nhà công vụ tại xã Bản Khoang (Lào Cai)

Từ lúc tôi làm Thứ trưởng từ năm 2004 đến khi làm Bộ trưởng năm 2010, ngần ấy năm làm Thứ trưởng là ngần ấy năm tôi làm thành viên Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nam bộ, vì thế thường xuyên có mặt ở những vùng sâu vùng xa.
Bão lũ, thiên tai, địch họa cũng như khi thời tiết bình thường thì tôi vẫn đi, vì tôi biết những chỗ đó họ cần mình hơn là những lúc có hội vui.
Lúc đó cấp trên cũng chỉ đạo tôi đi nhiều, sau này mới biết đó là ý để cấp trên bồi dưỡng tôi, để tôi hiểu hơn thực tế đời sống ở cơ sở.
Chuyến đi vào vùng lũ quét Bản Khoang đã để lại trong ông ấn tượng gì?
Chuyến đi vào vũng lũ quét ở Bản Khoang cũng để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi biết có cô giáo bị đá đè lên người ở đó cho đến khi dòng nước đẩy trôi hòn đá đi, lúc đó cô đang mang thai 7 tháng.
Lúc đó, ngay cả cô giáo cũng tưởng thiệt mạng vì hông bị loét vết rất lớn, tay chân bị bầm dập. Rất may là vùng bụng không bị sao, thai nhi được bảo toàn.
Tôi thực sự xúc động khi biết trường hợp đó. Tôi đã đã dặn anh em khi nào cô giáo sinh em bé thì báo tin cho tôi biết để tôi gửi thư, gửi quà chúc mừng.
Sau đó tôi nhận được thư của cô giáo cảm ơn và cho biết sẽ giữ bức thư chúc mừng của Bộ trưởng như một kỷ niệm để sau này để kể cho con nghe.
Cuộc sống thật kỳ diệu, sự sống thật mãnh liệt, trong cái chết cận kề thì mầm sống vẫn vươn lên, điều đó khiến tôi rất ấn tượng.

 Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng đoàn công tác đã lập tức lên đường tới Bản Khoang

Bộ trưởng đã làm gì để chia sẻ cùng các giáo viên Bản Khoang sau cơn lũ quét?
Ngành giáo dục cũng đã chung tay để xây dựng cho các thầy cô giáo ở Bản Khoang một nhà công vụ kiên cố. Tôi rất mong báo chí có nhiều chuyến đi lên vùng sâu xùng xa, vì ở đó là nơi có rất nhiều điểm sáng về đối mới giáo dục. Tới đó, chúng ta sẽ thấy thêm về hình ảnh giáo dục của Việt Nam chúng ta.
Bên cạnh câu chuyện về vùng lũ quét Bản Khoang, quyết định nào cho học sinh dân tộc mà ông tâm đắc?
Quyết định mới nhất của Thủ tướng do chúng tôi đề xuất đó là các cháu học sinh dân tộc đỗ đại học được hưởng chế độ như học sinh cử tuyển.
Từ thực tế học sinh cử tuyển (học yếu, không đỗ đại học) nhưng được đào tạo theo địa chỉ để về xây dựng quê hương, học sinh diện này được hưởng chế độ ưu tiên của Nhà nước.
Trong khi đó, học sinh con em dân tộc giỏi tự đỗ đại học thì không được hưởng chính sách nào, tự bà con nuôi con ăn học.
Vô tình chính sách Nhà nước lại khuyến khích người học yếu, không khuyến khích người học giỏi.
Trong khi đó, muốn có lực lượng mạnh, bền vững để xây dựng địa bàn dân tộc, vùng khó khăn thì tốt nhất là huy động con người tại chỗ, hiệu quả hơn nhiều so với huy động người dưới xuôi lên.
Vì thế, mấy năm trời chúng tôi đã kiên trì đề xuất chính sách này, rất mừng là Thủ tướng đã ký quyết định để học sinh dân tộc thi đỗ đại học cũng được hưởng ưu tiên như diện cử tuyển.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nghe các cô giáo kể lại trận lũ kinh hoàng.
Vậy chính sách nào cho giáo viên vùng dân tộc khiến ông tâm đắc?
Bộ GD-ĐT cũng đưa ra chính sách phụ cấp thu hút các thầy cô giáo người miền xuôi lên miền núi làm việc. Theo thiết kế 5 năm sau, các thầy cô sẽ được về và sau đó không được hưởng phụ cấp thu hút.
Nhưng thực tế, nhiều thầy cô sau  5 năm không về xuôi được, phần do không còn chỗ trống để về, phần do nhiều thầy cô không muốn về mà ở lại gắn bó với nơi làm việc mới. Thầy cô phải ở lại và phụ cấp thu hút bị cắt sau 5 năm.
Trong khi đó, một cô giáo mới ở dưới xuôi lên công tác, được hưởng phụ cấp thu hút nên lương cao hơn nhiều so với giáo viên đã có thâm niên ở miền núi. Đó là một bất cập. 
Chúng tôi đã đấu tranh cho việc này rất nhiều.Tôi đã phát biểu, chúng ta phải xin lỗi các thầy cô giáo ở lại vì chưa bố trí được công việc dưới xuôi cho họ về.
Thực tế có nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình ở vùng miền núi, dân tộc vì không phải cô giáo nào cũng tìm được hạnh phúc gia đình ở vùng đất đó. 
Vì thế, khi họ ở lại, nếu Nhà nước không cho họ thêm lương thì thôi mà lại cắt phụ cấp thu hút là không thể được.
Rất vui là sau một thời gian kiên trì đề xuất, Chính phủ đã quyết định giữ nguyên phụ cấp thu hút cho giáo viên vùng miền núi.
Tôi đã tâm sự với Thủ tướng, “anh ký quyết định đó em mất ngủ vì mừng”.
Tôi nhớ lại những chuyến công tác lên miền núi vào dịp cận Tết, có những cô giáo đi bộ cả chục km đường rừng ra gặp tôi, mang theo cơm nắm, chai nước để cùng ngồi ăn với nhau. Xúc động lắm những tấm lòng giáo viên như vậy.
Bình luận
vtcnews.vn