• Zalo

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Bộ máy phình ra vì một việc vẫn phân cho nhiều người

Thời sựThứ Hai, 30/10/2017 07:55:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết hiện nay phần lớn chúng ta vẫn thực hiện chế độ làm việc theo thủ trưởng, tức là một việc phân công nhiều người nhưng đáng ra chuyên viên có có thể làm nhiều việc và một việc giao một người.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 18 về "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". 

Theo đó, Ban chấp hành Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp một số tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thông tin thêm xung quanh việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

le vinh tan

 Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

- Vừa qua, Trung ương đã đưa ra Nghị quyết 18 đề cập đến câu chuyện tinh giảm biên chế, vậy các địa phương nên thực hiện thế nào, thưa ông?

Lộ trình trong các Nghị quyết đã quy định khá rõ. Trong giai đoạn sắp tới nên tạo sự phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương để địa phương phát huy những sáng kiến, sáng tạo phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội chứ không nên áp đặt 1 khung chung cho tất cả.

Cũng phải nói rõ, lần này cơ chế sẽ mở, ví dụ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, tới đây chúng ta sẽ quy định khung tổ chức để thực hiện nhiệm vụ thế nào không bỏ sót, chồng lấn, chồng chéo.

Trên cơ sở đó, sẽ quy định một số cơ quan mang tính thống nhất, tạm gọi là phần cứng, phần còn lại sẽ do chính quyền địa phương xem xét, quyết định nên hợp nhất, nên giải thể, có thành lập hay không..;

Số lượng cấp phó cũng quy định khung bình quân chung, còn địa phương sẽ bố trí mỗi cơ quan chuyên môn cần số cấp phó là bao nhiêu, miễn không vượt quá quy định.

Lần này sẽ đi sâu hơn một bước về đề án vị trí việc làm với 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, xác định tiêu chí đánh giá khung năng lực. Thứ 2, mô tả được công việc theo từng vị trí.

Hai vấn đề này nếu làm tốt được thì sẽ thực hiện có hiệu quả đề án và thực tế, thời gian qua vướng 2 vấn đề khó này nên các địa phương, cơ quan chưa thực hiện tốt được.

Một vấn đề khác là muốn tinh giản bộ máy, biên chế cần đổi mới phương pháp, chế độ làm việc.

Hiện nay chúng ta nói đang thực hiện chế độ làm việc chuyên viên, kết hợp chuyên viên với thủ trưởng, nhưng phần lớn chúng ta vẫn thực hiện chế độ làm việc theo thủ trưởng, tức là một việc phân công nhiều người. Theo tôi, chuyên viên có thể làm nhiều việc và một việc chỉ giao cho một người.

- Biên chế cả nước vẫn phình ra dù thực hiện nhiều giải pháp. Vậy Từ Nghị quyết vừa ban hành, theo Bộ trưởng có thực sự khắc phục được hạn chế, tinh giảm được biên chế?

Vấn đề biên chế phải dựa trên 3 trụ cột chính, là giảm đầu mối, sắp xếp lại cơ cấu bên trong của đầu mối đó và sắp xếp chức năng nhiệm vụ không giao thoa, không trùng lặp.

Trên cơ sở đó tôi nghĩ chúng ta sẽ giảm được biên chế nói chung, trong đó, từng vị trí việc làm sẽ xác định được, thực hiện theo đề án.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực việc làm, cũng như sắp tới đây, chúng ta tính về quy chế tiền lương sẽ được bàn thảo tại Hội nghị T.Ư 7 trên cơ sở giải quyết được 2 Nghị quyết của T.Ư 6.

Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói 'Sinh viên sư phạm ra trường tìm việc khác cũng khó'

- Sát nhập cơ quan HĐND và UBND, nhiều người nói là tốt vì sẽ giảm được biên chế nhưng chúng ta có lo ngại khoảng trống về mặt giám sát không thưa ông?

Chúng ta hợp nhất lại về đầu mối và những chức năng phục vụ dù của Văn phòng HĐND hay UBND đều phục vụ nhân dân còn cơ quan chuyên môn thì HĐND có các cơ quan phục vụ cho việc thẩm tra khác với cơ quan phục vụ trong công tác tham mưu.

Văn phòng phục vụ chung chúng ta có thể gom lại như kế toán, thủ quỹ, lái xe, văn thư... còn cơ quan chuyên môn, tham mưu hoặc thẩm tra là cơ quan, đơn vị độc lập phục vụ cho từng tổ chức.

- Theo Bộ trưởng, người đứng đầu làm sao vượt qua được những rào cản đó để tinh giảm được biên chế theo yêu cầu đề ra?

Quan trọng là đánh giá công chức và cần thay đổi phương pháp đánh giá trong thời gian qua.

Đánh giá công chức là để biết được những người nào làm việc tốt, hiệu quả công việc cao, trên cơ sở đó không phải chỉ để đến cuối năm mới làm mà phải kiểm tra công việc được thường xuyên, hàng tháng, thậm chí là hàng ngày.

Người đứng đầu trong các tổ chức phải nắm được công việc giao cho cán bộ công chức, xem họ làm trong một tháng, một năm bao nhiêu việc, chất lượng thế nào, đó là cơ sở để đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá phân loại cuối năm và cũng là cơ sở thực hiện chính sách cán bộ, chế độ tinh giản biên chế.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn