Mới đây, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với giáo dục đào tạo nói chung và việc xây dựng Chiến lược phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 nói riêng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì vậy, giáo dục đại học cần phát huy tốt kết quả của nền giáo dục phổ thông để đào tạo được một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, có các kỹ năng mềm, có tư duy sáng tạo và khả năng học tập suốt đời để đáp ứng và thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động toàn cầu.
Bộ trưởng ghi nhận, trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước thông qua việc mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và bước đầu hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Nhạ chỉ ra nhiều hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam như chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học; hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục đại học; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng, với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, hệ thống giáo dục đại học đang thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi và hội nhập với xu thế phát triển giáo dục đại học của thế giới.
Bộ trưởng kỳ vọng vào hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, trong thời gian tới, bản Chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam sẽ tập trung vào 5 trụ cột, gồm: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục đại học và tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.
Video: Đào tạo 9.000 tiến sỹ, Bộ GD-ĐT nói gì?
Bình luận