• Zalo

Bộ trưởng GD-ĐT gọi điện thoại hẹn gặp cô giáo gửi tâm thư '8 thỉnh cầu'

Giáo dụcThứ Bảy, 14/05/2016 07:53:00 +07:00Google News

Sau khi đọc được bức tâm thư '8 tỉnh cầu' của một cô giáo ở TP.HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gọi điện thoại trực tiếp cho chủ nhân bức thư và hẹn gặp cô giáo

Sau khi đọc được bức tâm thư '8 tỉnh cầu' của một cô giáo ở TP.HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gọi điện thoại trực tiếp cho chủ nhân bức thư và hẹn gặp cô giáo này vào cuối tháng 5.

Cuối tháng 5 này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ gặp trực tiếp cô giáo có bức tâm thư gửi bộ trưởng. Đây là những tâm huyết, đề xuất của cô giáo với những mong muốn đổi mới ngành giáo dục trong tương lai.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ gặp trực tiếp cô giáo gửi bức tâm thư 8 thỉnh cầu
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ gặp trực tiếp cô giáo gửi bức tâm thư 8 thỉnh cầu 
Trước đó, bức tâm thư với “8 thỉnh cầu” của cô giáo Hoàng Thị Hiền (TP.HCM) được đăng trên báo Tuổi Trẻ và nhận được nhiều ý kiến đồng cảm của các đồng nghiệp cùng nhiều người trong xã hội: Nội dung bức tâm thư gồm tám thỉnh cầu, cụ thể như sau:

Thứ nhất, mong bộ trưởng nhìn vào học sinh lớp 12 khi gương mặt luôn mệt mỏi vì phải học từ sáng đến tối, học ở trường rồi học thêm ở trung tâm nhưng lại thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, không biết bênh vực cái tốt, trước cái ác không dám lên tiếng phản đối.

Thứ hai, mong bộ trưởng chấm dứt nỗi lo sợ cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh nữa bởi sự thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong thi cử.

Thứ ba, cô mong bộ trưởng mở rộng cơ chế bổ nhiệm đội ngũ quản lý, để giáo viên có quyền lựa chọn người phù hợp vì hiện nay nhiều hiệu trưởng có tư duy già nua, cũ kỹ, bảo thủ.

Hiệu trưởng cũng cần được trao cho khoảng tự do để đổi mới và cần có cơ chế luân chuyển hiệu trưởng ở các loại trường khác nhau để họ chứng minh được thực tài, nỗ lực phấn đấu. Ngay cả đối với giáo viên, các tổ trưởng chuyên môn cũng nên có sự luân chuyển như thế thì mới phát huy được tiềm năng ẩn chứa trong mỗi người.

Thư tư, cô giáo mong ngành giáo dục bớt các loại sổ sách, đánh giá giáo viên ở phương pháp làm việc giỏi chứ không phải ghi chép giỏi như kiểu thi “vở sạch chữ đẹp”!

Thứ năm, cô Hiền đề xuất bộ trưởng nhân rộng những sáng kiến, kinh nghiệm hay trong ngành để các trường, các sở kịp thời học hỏi lẫn nhau.

Thứ sáu, mong bộ trưởng hãy tăng thêm chế độ đãi ngộ cho những giáo viên ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Thứ bảy, chương trình ĐH có đến 30% môn học không cần thiết nên thay bằng các chuyên ngành hữu dụng.

Thứ tám, hiện nay quá thiên lệch về nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ giáo dục đạo đức của ngành giáo dục mấy chục năm nay đã thấy được hệ lụy của nó.

Trả lời PV chiều 13/5, thư ký của bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết hôm 12/5, Bộ trưởng Nhạ đã trực tiếp gọi điện thoại cho cô giáo Hiền, người có bức tâm thư rất tâm huyết. Qua cuộc điện thoại, bộ trưởng bày tỏ thái độ quan tâm với những thỉnh cầu của cô giáo. Bộ trưởng mong muốn lắng nghe thêm những ý kiến đóng góp khác của những người có tâm huyết với nghề.

Hiện tại, Bộ trưởng Nhạ đang bận đi công tác nên sẽ hẹn gặp để trao đổi trực tiếp với cô Hiền vào cuối tháng 5 này.


Nguồn: Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn